Phố Cổ Hà Nội – Những Điều Bạn Cần Biết

Phố Cổ Hà Nội – Những Điều Bạn Cần Biết

Phố cổ Hà Nội là tên gọi của một khu vực dân cư vốn xuất hiện từ thời Lý – Trần, nằm ở phía Đông của Hoàng thành Thăng Long, kéo dài đến bờ sông Hồng – nay là khu vực phía Bắc và phía Tây của quận Hoàn Kiếm.
Khi ấy, dân cư từ các làng xung quanh vùng đồng bằng Bắc Bộ tề tựu về khu vực này sinh sống, hình thành những khu phố nghề đặc trưng, và trở thành nơi giao thương sầm uất nhất kinh thành.
Phố Cổ Hà Nội
Phố Cổ Hà Nội
Đến đời Lê, một số Hoa kiều đến đây lập nghiệp và thành lập nên các khu phố Tàu. Vào thời Pháp thuộc, người Ấn và người Pháp cũng đến đây buôn bán. Chợ Đồng Xuân cũng được lập nên từ đây, với hệ thống đường ray xe điện Bờ Hồ – phương tiện giao thông một thời rất phổ biến ở Hà Nội.
Ngày nay, khu phố này không những là nơi mua bán nhộn nhịp nhất Hà Nội, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút rất nhiều người đến tham quan, nhất là khi tuyến phố đi bộ Hà Nội được mở ngang qua đây.

Hà Nội Có Bao Nhiêu Phố Cổ? 

Hà Nội có nhiều phố cổ nhưng nơi hay được nhắc đến và tham quan nhiều nhất là khu phố cổ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, có tổng diện tích khoảng 100ha, bao gồm 76 tuyến phố thuộc 10 phường. Đây cũng là nơi được chính quyền sở tại quan tâm bảo tồn, gìn giữ.

Các con phố đa số được đặt tên theo các làng nghề được hình thành từ xưa, với chữ “Hàng” phía trước như: Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, v.v.
Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được nghề truyền thống như: Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc… Một số khác tuy không còn làm nghề truyền thống, nhưng vẫn tập trung bán một loại hàng hóa nhất định, ví dụ như: phố Hàng Quạt bán đồ thờ cúng, phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên các dịch vụ du lịch.
Mỗi phố nghề ở đây đều mang một đặc trưng riêng biệt, đem lại những ấn tượng và cảm nhận khác nhau. Đến thăm phố cổ, bạn sẽ phần nào mường tượng được bức tranh xã hội, văn hóa, kinh tế của người dân Thăng Long từ nghìn xưa.

Phố Cổ Hà Nội Nằm Ở Đâu? 

Khu phố cổ Hà Nội tọa lạc tại trung tâm quận Hoàn Kiếm, gần hồ Hoàn Kiếm, và được xác định theo phạm vi như sau:
  • Phía Bắc là đường Hàng Đậu.
  • Phía Tây là đường Phùng Hưng.
  • Phía Nam là các đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng.
  • Phía Đông là đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật.

Cách di chuyển đến phố cổ Hà Nội

Bạn có thể di chuyển tới phố cổ bằng nhiều phương tiện khác nhau một cách dễ dàng, chẳng hạn như xe bus, xe máy, ôtô, taxi, xe ôm… nhưng để tiện cho việc di chuyển nhanh nhất bạn nên lựa chọn xe máy hoặc xe buýt.

Xe buýt

Không cần phải quá lo lắng trong việc đợi chờ xe bởi xe buýt đi qua phố cổ ở Hà Nội có rất nhiều tuyến cho bạn lựa chọn. Bạn có thể tham khảo một số tuyến sau:

Tới bờ Hồ Kiếm đi xe 09, 14, 36

Tới Ô Quan Chưởng đi xe 03, 11, 14, 22, 18, 34, 40

Tới chợ Đồng Xuân đi xe 31, lộ trình từ đại học Mỏ tới Bách Khoa

Xe máy

Xuất phát từ Cầu Giấy, bạn có thể đi theo lộ trình Cầu Giấy – Kim Mã – Nguyễn Thái Học – Bà Triệu (Vincom Bà Triệu) – Bờ Hồ. Tới bờ hồ, bạn hãy gửi xe và bắt đầu hành trình khám phá 36 phố phường.

Chơi Gì Ở Phố Cổ Hà Nội? Những Hoạt Động Du Lịch Bạn Không Nên Bỏ Lỡ

 

Phố Cổ Hà Nội
Tham quan Phố Cổ Hà Nội

>>> Xem thêm: Các điểm du lịch Miền Bắc

Hoạt động chính ở phố cổ Hà Nội là tham quan các khu phố, các di tích lịch sử như: đình, đền, chùa, hội quán. Ngoài ra, bạn còn có thể dạo qua các ngôi chợ lớn, đặc biệt là chợ Đồng Xuân.

1. Hồ Hoàn Kiếm

Nếu đã có ý định đi thăm phố cổ thì chắc chắn không thể nào bỏ qua , còn gọi là hồ Gươm, nơi được coi là trái tim của thủ đô Hà Nội. Từ hồ Hoàn Kiếm, bạn có thể ngắm Tháp Rùa, Tháp Bút, hay tham quan quần thể Đền Ngọc Sơn nằm trên Đảo Ngọc.

2. Chợ Đồng Xuân

Có mặt ở khu phố cổ Hà Nội từ năm 1889, chợ Đồng Xuân được xem là ngôi chợ lớn nhất Hà Nội, nơi đầu mối cung cấp hàng hóa cho khắp các tỉnh phía Bắc. Bạn có thể tìm thấy tất tần tật mọi thứ ở chợ Đồng Xuân, đặc biệt là vải vóc quần áo, đồ gia dụng, hàng điện tử.
Điều thu hút hơn cả chính là ngõ chợ Đồng Xuân nằm bên cạnh chợ, bởi đây chính là tọa độ ăn uống không thể bỏ qua của dân Hà thành cũng như du khách. Ăn hàng ở chợ Đồng Xuân chắc chắn là trải nghiệm thú vị cho những ai muốn khám phá, thưởng thức ẩm thực Hà Nội thuần túy.
Vào tối thứ 6, 7, và Chủ Nhật hàng tuần, chợ Đồng Xuân có cả phiên chợ đêm rất nhộn nhịp.

3. Phố Hàng Mã

Một trong những con phố thu hút các bạn trẻ đến check-in nhất đó là phố Hàng Mã, một nơi rất nổi bật bởi những màu sắc của những món đồ thủ công. Không chỉ có đồ thờ cúng, phố Hàng Mã còn có những mặt hàng mang đậm dấu ấn văn hóa như: lồng đèn, trống, đầu lân, mặt nạ, đồ chơi dân gian, v.v.
Đặc biệt, mỗi khi có dịp lễ Tết, khu phố Hàng Mã càng trở nên rực rỡ hơn dưới ánh đèn – một phông nền quá “xịn sò” cho bạn chụp ảnh. Phố Hàng Mã mà lên đèn rồi thì bạn phải lên đồ ngay thôi.

4. Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất của Hoàng thành Thăng Long còn sót lại gần như nguyên vẹn. Ô Quan Chưởng mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn, với vọng lâu và cổng tam quan. Địa danh này vốn có tên là Ô Đông Hà, nhưng về sau được gọi là Ô Quan Chưởng bởi di tích lịch sử này gắn liền với sự hy sinh giữ thành của một viên Chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn.

5. Nhà Cổ Mã Mây

Một không gian văn hóa đặc sắc giữa lòng phố cổ Hà Nội đó là ngôi nhà cổ ở sô 87 Mã Mây. Ngôi nhà này là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, thể hiện rõ nét không gian sinh sống của người Hà Nội lúc bấy giờ.
Mỗi tối, nơi đây thường tổ chức những buổi hát ca trù và biểu diễn một số loại hình nghệ thuật dân gian khác. Nhà cổ Mã Mây còn hay được chọn làm nơi tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của thủ đô. Vé tham quan nhà cổ Mã Mây là 10.000đ/người nhé.

6. Đền Bạch Mã

Di tích lịch sử Đền Bạch Mã là một trong bốn ngôi đền thiêng của thành Thăng Long khi xưa, tọa lạc tại số 76-78 phố Hàng Buồm. Ngôi đền này được xây dựng từ thế kỷ IX, là nơi thờ thần Long Đỗ – vị thần gốc của Hà Nội cổ, và con ngựa trắng gắn liền với câu chuyện dời đô của vua Lý Thái Tổ.
Vốn là nơi nghìn năm tuổi nên cảnh vật xung quanh đều khoác màu rêu phong, hoài cổ. Trong đền còn lưu giữ rất nhiều di vật cổ quý và có giá trị quan trọng để nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội.

7. Phố Tạ Hiện

Phố Tạ Hiện là khu phố đêm náo nhiệt nổi tiếng thủ đô Hà Nội, cũng là khu phố Tây duy nhất ở đây. Khu phố này được du khách gọi là “ngã tư quốc tế”, và luôn có mặt trong danh sách những nơi phải đến khi đi du lịch Hà Nội.
Chỉ là con phố nhỏ bé nhưng phố Tạ Hiện luôn chật nêm người đến vui chơi, giải trí, nhâm nhi bia vỉa hè. Đến phố Tạ Hiện, không thể không nhắc tới là những quán pub, quán bar sôi động như: Hay Bar, 1900 Le Theater Bar. Khoảng 9h, những quán bar này sẽ có ban nhạc chơi live để bạn tha hồ “quẩy”.

Ăn Gì Ở Phố Cổ Hà Nội? 

Đã đến phố cổ Hà Nội rồi thì không lo bị đói nha. Chỉ cần dạo qua một vòng phố cổ, bạn đã có thể “ăn sập Hà Nội” với bao nhiêu là món như: cháo sườn chợ Đồng Xuân, kem Tràng Tiền, lòng Nguyễn Siêu, phở Bát Đàn, bún chả Hàng Buồm,.

Tham khảo một số địa chỉ ăn uống hấp dẫn dưới dây nhé:

  • Chợ Đồng Xuân – Phố Đồng Xuân
  • Bún chả Hàng Buồm – 43 Hàng Buồm
  • Phở Bát Đàn – 49 Bát Đàn
  • Bún thang Cầu Gỗ – 32 Cầu Gỗ
  • Chè bà Mai – 93 Hàng Bạc
  • Bún đậu mắm tôm Hàng Khay – Ngõ 31, Hàng Khay
  • Ốc luộc Đinh Liệt – 1 Đinh Liệt
  • Kem Tràng Tiền – 35 Tràng Tiền
  • Hoa quả dầm – Phố Tô Tịch, Hàng Gai
  • Nộm bò khô – Phố Hàm Long
  • Nem chua rán – 36 Ngõ Tạm Thương, Hàng Gai

Kinh Nghiệm Du Lịch Phố Cổ Hà Nội Dành Cho Bạn

Chợ đêm phố cổ Hà Nội, hay nói cách khác là , hoạt động từ 18h đến 23h các ngày thứ 6, 7, và Chủ Nhật hàng tuần. Khi các tuyến phố đi bộ lên đèn thì cũng là lúc nơi đây trở thành sân khấu ngoài trời cho các nghệ sĩ biểu diễn. Bạn nhớ lưu ý thời gian để đến đây hòa mình vào không khí vui chơi, ăn uống, văn nghệ cùng với người dân Hà Nội nhé.

Gợi ý một số khách sạn ở khu vực phố cổ

Nếu du khách có ý định khám phá phố cổ trong vài ngày và có nhu cầu nghỉ dưỡng qua đêm tại đây thì Justfly xin gợi ý cho bạn một vài địa điểm để bạn có thể lựa chọn:

Rising Dragon Villa Hotel

  • Địa chỉ: 43A Bát Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Phố Cổ, Hà Nội

  • Giá phòng: 510.000 – 1.600.000 đồng/ đêm

Hanoi Romance Hotel

  • Địa chỉ: 19 Trung Yên, Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Phố Cổ, Hà Nội

  • Giá phòng: từ 2.025.000 đồng/ đêm

Apricot Hotel

  • Địa chỉ: 136 Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

  • Giá phòng: từ 2.600.000 đồng/ đêm

Gợi ý lịch trình tham quan Phố cổ trong 1 ngày

Với những địa điểm tham quan, mua sắm hay ẩm thực ở trên, quý du khách có thể có nhiều cách để lên lịch trình tham quan Phố cổ sao cho phù hợp nhất với quỹ thời gian của mình. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ lịch trình tham quan Phố cổ trong thời gian 1 ngày dựa trên kinh nghiệm chuyến đi thực tế như sau:

8h sáng: Tới ngõ Đồng Xuân thuộc phố Hàng Chiếu để ăn sáng. Hợp lý nhất bạn nên chọn ăn phở Hà Nội hoặc bún riêu cua, bún ốc.

8h30: Tham quan quan mua sắm tại chợ Đồng Xuân – khu chợ lớn nhất, lâu đời nhất của Hà Nội

9h00: Tham quan Ô Quan Chưởng nằm ở ngay đầu phố Hàng Chiếu

9h30: Tham quan Đền Bạch Mã

10h15: Thăm nhà cổ Mã Mây ở số 87 phố Mã Mây – Hàng Buồm

11h: Thăm đình Kim Ngân ở số 42-44 phố Hàng Bạc

12h: Ăn bún đậu mắm tôm tại ngõ Phất Lộc phố Hàng Bạc

14h chiều: Tham quan Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút

15h: Mua vé xem múa rối nước tại Nhà hát múa rối nước Thăng Long hoặc xem chương trình nghệ thuật tại Nhà hát lớn hoặc tham quan phố đi bộ Hồ Gươm nếu đi vào dịp cuối tuần

16h: Uống bia trên phố Tạ Hiện hoặc cà phê, trà đá vỉa hè, ăn vặt các món như ăn hoa quả dầm ở phố Tô Tịch, nộm bò khô ở phố Hồ Gươm, ăn ốc ở phố Đinh Liệt…

18h: Mua quà lưu niệm cho gia đình người thân hoặc bạn bè

19h: Ăn Chả cá Thăng Long 21 Đường Thành hoặc phở xào trên phố Nguyễn Siêu

20h: Đi chợ đêm phố cổ trên phố Hàng Đào, Hàng Ngang nếu đi vào dịp cuối tuần hoặc đi dạo xung quanh để ngắm Hồ Gươm.