Khu du lịch Buôn Đôn ở đâu?
Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuật khoảng 40km, Khu du lịch Buôn Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn từ lâu đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Đắk Lắk.
Huyện Buôn Đôn nằm ở rìa phía tây tỉnh Đắk Lắk. Phía Nam giáp huyện Cư Jút, phía Đông Nam giáp thành phố Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp huyện Cư M’gar, phía Bắc giáp huyện Ea Súp, phía Tây huyện là biên giới với Campuchia.
Xưa kia nói tới Buôn Đôn là nói tới cả một khu vực rộng lớn, vươn dài theo dòng sông Sêrêpôk quanh năm nước chảy hiền hòa, con gái, con trai, người già, trẻ nhỏ say sưa với những vũ điệu dân gian trong lễ hội cùng nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng.
Khu du lịch Buôn Đôn mang sắc thái của nhiều dân tộc cộng cư ít đâu có được như Lào, Khơme, Êđê, M’ Nông, Gia Rai… rồi dân tộc Kinh và cả một số dân tộc phía Bắc đến lập nghiệp… Chuyện về Buôn Đôn cổ xưa hấp dẫn lạ lùng…
Nằm giáp với biên giới Lào, Campuchia, Buôn Đôn mang một sắc thái văn hóa độc đáo và đa dạng. Buôn Đôn là gọi theo cách gọi của người Ê đê và Bản Đôn gọi theo người Lào. Buôn, bản đều có nghĩa là làng; Đôn là đảo, làng đảo – ngôi làng nằm ở giữa con thác 7 nhánh : Mùa mưa nước mênh mông; mùa khô nhô lên những cồn đảo, với những cây si, cùng các loại thiên thảo…
Buôn Đôn cổ xưa thịnh vượng được truyền tụng với những khu nhà mồ có kiến trúc, điêu khắc đẹp như những bức tranh hoành tráng, với nhiều huyền thoại về người lập làng – anh hùng săn voi – được mệnh danh Vua voi Khunjunop tài giỏi, với luật lệ săn bắt và nuôi voi khắc nghiệt để bảo tồn nghề truyền thống, và với những giai thoại làm say mê du khách, các nhà nghiên cứu …
Buôn Đôn trở thành một địa danh hành chính có trên bản đồ khi người Pháp đặt chân lên vùng này, đặt địa lý hành chính vào năm 1890. Mãi 14 năm sau, người Pháp mới dời thủ phủ từ Buôn Đôn về BuônMaThuột.
Nhắc đến Buôn Đôn, xứ sở của nghề săn bắt voi, với những huyền thoại và phong cảnh thiên nhiên kỳ thú là nhắc đếnmột địa danh có tiềm năng lớn trong các hoạt động du lịch với các hình thức du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân tộc, du lịch sinh thái cho người nghiên cứu và yêu thích sự mạo hiểm, tìm hiểu về thiên nhiên và động thực vật.
Đến Khu du lịch Buôn Đôn, du khách có thể tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc, thăm kiến trúc mộ Khunjunop, du lịch dã ngoại bằng voi trên sông Sêrêpôk, thăm Vườn quốc gia YokDôn với khu bảo tồn động thực vật quý hiếm.
Ngoài ra Khu du lịch Buôn Đôn, du khách có thể dùng thuyền độc mộc xuôi dòng Sêrêpôk, đến thăm và du ngoạn ở thác 7 nhánh. Nếu khách có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, phong tục, những chủ nhân ở Buôn Đôn có thể tổ chức một đêm lễ hội và uống rượu cần, sinh hoạt văn hóa dân gian.
Chứng kiến du khách nước ngoài đầu trần chạy những chiếc xe honda trên con đường dốc, cao nguyên đầy nắng gió mới cảm nhận về xứ sở lạ lùng này dường như trở nên hấp dẫn. Phải chăng sự huyền diệu ở lời ru của suối ngàn, thấp thoáng gập ghềnh suối đá, đồi cỏ … càng làm cho câu chuyện về Buôn Đôn xa xôi và những lễ hội truyền thống trở nên đáng yêu hơn. Buôn Đôn – xứ sở của nghề săn bắt, thuần dưỡng voi sẽ làm say đắm không ít du khách khi đến thăm vùng đất này.