Có người từng nói rằng: Gương mặt của Quy Nhơn là biển cả, cốt cách của Quy Nhơn là võ cổ truyền, tâm hồn Quy Nhơn là đồi thi nhân nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử yên nghỉ, lịch sử chính là tháp đôi Quy Nhơn oai hùng. Hôm nay cùng theo chân Việt Du Travel khám phá vẻ đẹp của tháp đôi Quy Nhơn qua bài viết dưới đây nhé.
Tháp đôi Quy Nhơn xinh đẹp
Địa chỉ cách trung tâm thành phố 3 km về hướng Tây Bắc tại đường Trần Hưng Đạo, Đống Đa, Quy Nhơn, Bình Định.
Thông thường, các tòa tháp Chăm thường được xây dựng nằm trên các đỉnh đồi và cách xa khu dân cư sinh sống. Tháp Đôi Quy Nhơn tuy không nằm trên một đỉnh đồi nhưng lại nép mình trong một khuôn viên xanh mát được bao phủ bởi thảm cỏ và nhiều cây xanh. Điều đặc biệt hơn cả là bên ngoài khuôn viên thì vẫn là những hộ dân cư bình thường đó!
Ngoài ra, điều khiến tòa tháp này trở thành một điểm du lịch lý tưởng vì nơi đây nằm cách trung tâm thành phố chỉ từ 5 đến 10 phút di chuyển vô cùng nhanh chóng và dễ đi. Thích hợp để người lớn có dịp tham quan mà không phải lo lắng về đường đi quá xa. Bên cạnh đó, nhờ vào khuôn viên xanh ngát rộng lớn, tòa tháp như tách mình ra khỏi những xô bồ của phố thị ồn ào và nổi bật với diện mạo uy nghiêm, cổ kính. Nếu có dịp ghé chơi thành phố biển xinh đẹp này, bạn đừng quên ghé tham quan tháp Đôi Quy Nhơn nhé!
Giá vé tham quan tháp đôi Quy Nhơn
Thời gian mở cửa tham quan ở đây là từ 7h – 11h30 và từ 13h30 – 17h, tất cả các ngày trong tuần.
Giá vé tham quan rất rẻ chỉ 8.000 đồng/lượt .Đây chỉ là phí vệ sinh cho các cô chú lao công thôi, thêm 5.000 đồng tiền giữ xe nữa. Như vậy, bạn chỉ mất 13.000 đồng thôi là có thể thăm thú, khám phá toàn bộ công trình độc đáo này rồi.
Lịch sử về tháp đôi Quy Nhơn
Bạn có biết! Tháp Đôi có nhiều tên gọi khác nhau. Vì tháp nằm trên vùng đất thuộc làng Hưng Thạnh xưa nên còn có tên gọi Tháp Hưng Thạnh. Theo Quách Tấn trong sách “Nước non Bình Định”, người Pháp gọi tháp này là Tour Kh’mer. Đây là một trong tám cụm tháp Chăm còn lại trên đất Bình Định ngày nay. Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 11 – đầu thế kỷ 13. Đây là thời kỳ vương quốc Chăm Pa gặp nhiều biến động.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm, tháp đã bị phá hủy nặng nề. Tuy nhiên, từ năm 1990 đến năm 1997, Tháp Đôi ở Quy Nhơn đã được trùng tu, tôn tạo bởi những người thợ lành nghề. Cùng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, khảo cổ học trong nước, các chuyên gia đến từ Ba La và sự đầu tư của Nhà nước nên địa điểm này lấy lại được dáng vẻ gần như ban đầu.
Hiện nay, Tháp Đôi tọa lạc trên khu đất đẹp, bằng phẳng, rộng hơn 6.000 m2. Thấp thoáng trong bóng những cây dừa, cau và hoa đại (những loài cây gắn liền với văn hóa Chăm). Tháp cũng trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Quy Nhơn, Bình Định.
Kiến trúc độc đáo của tháp đôi Quy Nhơn
Nói về kiến trúc của tháp đôi Quy Nhơn có lẽ nhiều du khách sẽ rất bất ngờ vì nét kiến trúc ở đây vô cùng độc đào. Cùng Việt Du Travel khám phá xem nhé.
Cấu trúc tháp đôi
Tháp có cấu trúc độc đáo gồm hai tháp nằm liền kề nhau như cặp vợ chồng quấn quýt. Bên trong lòng tháp có cối đá xay bột gạo ngày xưa mà sau này người Kinh cũng sử dụng. Cửa Tháp Đôi nhìn lên cao vút như những mũi lao sắc nhọn, đứng trong lòng tháp mà tưởng như thấy cả “vũ trụ bao la”.
Cả 2 Tháp đều có cửa chính hướng về phía Nam. Tháp Đôi được xây bằng gạch nung xếp khít với nhau bằng một thứ chất kết dính đặc biệt. Đây là một kỹ thuật xây độc đáo của người Chăm mà ngày nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải mã được.
Tháp được cấu trúc thành hai phần chính. Chân tháp là khối đá (tháp lớn) và gạch (tháp nhỏ) được xếp chồng một cách vững chãi. Các góc tháp hiện được trang trí những nét riêng nhưng tổng thể vẫn là các tượng thần. Cùng các phù điêu diễn tả các nhân vật, các vũ công với điệu múa lấy từ truyền thuyết Ấn Độ. Những biểu tượng chim thần Garuda hai tay đưa cao như đang nâng đỡ ngọn tháp kỳ vỹ này. Cùng với đó là tạp chủng đầu voi mình sư tử, hình người ngồi có 6 hoặc 8 tay bằng đá theo tín ngưỡng của người Chăm.
Tất cả đều được chạm khắc rất tinh xảo, sinh động. Nhìn tổng thể như một bức tranh rất có hồn và sống động. Chắc chắn sẽ thu hút du khách khi tới đây, tò mò và thật sự ngạc nhiên về cấu trúc Tháp Đôi Quy Nhơn này.
Tháp ở phía Bắc
Nếu bạn để ý sẽ thấy trong hai ngôi tháp, tháp lớn được tạo dáng khá cân đối, cao khoảng 20m. Phần thân và mái đều được xử lý tinh tế bằng những đường diềm hơi thắt lại. Hai bên trang trí hoa văn đối xứng cùng với 21 hình vũ nữ được chạm khắc tinh tế vòng quanh diềm mái. Giữa phần mái và thân tháp được trang trí bằng hình tu sĩ ngồi thiền.
Tháp ở phía Nam
Phần tháp nhỏ cũng có cấu trúc tương tự, cao 18m. Nhưng ở phần diềm mái thay vì hình các vũ nữ thì được thể hiện lại bằng một đàn hưu 13 con với nhiều dáng vẻ khác nhau rất tinh nghịch và sống động. Sự tỉ mỉ của người Chăm sẽ khiến bạn cảm thấy đây thực sự là kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ý nghĩa của tháp đôi Quy Nhơn
Nhiều du khách xa gần khi đến với Tháp Đôi ở Quy Nhơn đều băn khoăn câu hỏi Tháp Đôi Quy Nhơn thờ ai? Ý nghĩa của Tháp Đôi là gì?”. Theo như lời các cô chú quản lý tại đây kể rằng bên trong tháp thờ các linh vật LINGA và YONI, tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, xa xưa. Dân làng nơi đây thờ tụng để mong muốn sự phồn thịnh, mùa màng bội thu, sự xung túc.
Lời kết
Tỉnh Bình Định nổi tiếng là nơi sở hữu một số lượng lớn các tháp Chăm cổ và tháp Đôi Quy Nhơn là một trong số đó. Nếu có dịp ghé thăm thành phố biển xinh đẹp này, bạn đừng quên ghé thăm công trình kiến trúc kỳ vĩ này và cho mình một cơ hội để tìm hiểu rõ hơn về nền văn minh Chăm pa cổ xưa cũng như chiêm ngưỡng tuyệt tác kiến trúc mà người Chăm xưa đã dày công tạo nên.
Hãy theo dõi kênh website của Việt Du Travel luôn luôn mang đến những thông tin hữu ích về các địa điểm tham quan nhiều địa điểm hữu ích.
Cre ảnh Sưu Tầm
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
» Ghé Thăm Dinh Vạn Thủy Tú – Phan Thiết
» Mê Mẩn Cánh Đồng Rong Biển Ninh Thuận Đẹp Lãng Mạn Và Đầy Sự Yên Bình