Nhà Thờ gỗ Kon Tum trên 100 năm

Nhà Thờ gỗ Kon Tum hay còn gọi Nhà thờ chánh tòa Kon Tum là một nhà thờ Công giáo nằm tại số 13 đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Việt Nam, được hoàn thành năm 1918.

Nhà Thờ gỗ Kon Tum

Nhà thờ gỗ Kon Tum được làm bằng gỗ cà chít (sến đỏ) (trần và tường được xây bằng đất trộn rơm) thiết kế theo kiến trúc Roman, phối hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên.

Nhà thờ gỗ Kon Tum là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc.

Nhà Thờ gỗ Kon Tum

Nhà thờ được xây dựng bởi những người thợ mộc lành nghề đến từ Bình Định và Quảng Ngãi. Vật liệu chiếm số lượng nhiều nhất là gỗ cà chít. Trần và tường được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của người miền Trung Việt Nam. Trên tường rơm là những bức tranh kính màu rực rỡ về Chúa, Đức Mẹ.

Khu hoa viên của nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, thánh giá và các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ như các con chiên, tượng thánh được làm bằng gốc rễ cây rừng càng làm không gian mang đậm màu sắc Tây Nguyên.

Lịch sử Nhà Thờ gỗ Kon Tum

Theo tư liệu lịch sử, vào những năm giữa thế kỉ 19, có một con đường dài 120 km tên gọi là con đường “Muối, gốm sứ và cồng chiêng” từ Quảng Ngãi lên Kon Tum.

Nhà Thờ gỗ Kon Tum
Nhà Thờ gỗ Kon Tum

Con đường này hẻo lánh, hoang vu, gập ghềnh từ ngã ba Thạch Trụ, Quảng Ngãi qua Ba Tơ, đèo Violắc là con đường buôn muối, gốm sứ và cồng chiêng hoặc các vật dụng giao thương giữa người Kinh và người dân tộc trong khu vực.

Khi đó những nhà truyền giáo người Pháp cũng đã theo con đường này để bắt đầu công cuộc truyền giáo và có ý định xây dựng các nhà thờ nhỏ bằng gỗ, tre để truyền đạo. Nhà thờ đầu tiên như vậy được xây dựng vào năm 1870.

Cho đến khi số lượng giáo dân đông dần, linh mục Giuse Decrouille được giao cai quản xứ đạo Kon Tum. Vào năm 1913, ông quyết định xây dựng ngôi nhà thờ lớn với vật liệu chủ yếu là gỗ cà chít. Công việc xây dựng nhà thờ gỗ Kon Tum bắt đầu từ năm 1913 và kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất.

Nhà Thờ gỗ Kon Tum
Nhà Thờ gỗ Kon Tum

Dù đã trải qua bao biến thiên lịch sử, cho đến nay nhà thờ vẫn không hề bị hư hỏng mà vẫn vững chắc.

Công trình được làm hoàn toàn bằng một loại gỗ đặc trưng nơi đây là gỗ cà chít và các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép và kể cả vôi vữa để sơn trét.

Mặt tiền nhà thờ được chia thành bốn tầng cao 24 mét, gồm bốn cột chính và hai cột phụ nối kết với nhau thành những vòng cung nâng toàn khối nhà thờ với kích thước nhỏ dần khi lên cao, lưng chừng tháp là bốn ô cửa sổ kính màu hình tròn với nhiều thanh gỗ cong đồng tâm được sắp xếp một cách hoàn hảo tạo cho cửa sổ mang dáng dấp một con mắt nơi chính diện của nhà thờ.

Nhà Thờ gỗ Kon Tum

Trên đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý cao vút, thể hiện sự uy nghiêm và vĩnh cửu của ngôi thánh đường.

Khung sườn của nhà thờ gồm bốn hàng cột gỗ cao 12 mét chạy dài từ mặt tiền đến phòng áo, hai hàng cột giữa lớn tạo nên gian chính rộng, cao và thoáng mát. Hai hàng cột ngoài nằm sát vách là hai gian phụ với trần nhà thấp hơn, cả bốn hàng cột trụ trên các đế đá vững chắc có sức chịu đựng với thời gian, nâng đỡ cả trọng lượng của ngôi thánh đường.

Nhà Thờ gỗ Kon Tum

Bên trong Nhà thờ gỗ Kon Tum có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết với nhau bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên như ôm trọn những ai vào giữa lòng nhà thờ. Bên trong thánh đường có nhiều khung cửa kính màu vẽ lại các điển tích trong kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng trời tự nhiên, vừa tạo thêm vẻ rực rỡ tráng lệ cho ngôi giáo đường.

Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được cái khí chất của đồng bào bản địa Tây Nguyên.