Giờ lễ nhà thờ Tiêu Thượng (Đồng Chuối)
– Ngày thường: 5h00 (thứ 2,4,7) – 19h00 (thứ 5,6)
– Chúa nhật: 7h00 – 19h00
Nhà thờ Tiêu Thượng ở đâu?
– Đia chỉ: Tiêu Động, An Đổ, Bình Lục, Hà Nam
– Thành lập năm 1716
– Chánh xứ Lm Giuse Phạm Công Nguyên
Xem thêm: Tour Hành Hương Công Giáo tại Việt Nam

Lịch sử nhà thờ Tiêu Thượng (Đồng Chuối)
Giáo xứ miền Tiêu Thượng nay thuộc địa bàn xã Tiêu Động, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Theo bút ký của Đức Cha Luis Neéz cho biết: từ năm 1716 Trại Nhoi (họ Tiêu Viên hiện nay) đã có đạo, có nhà thờ và có cha Marco Vi coi sóc. Trại Nhoi là nơi kín đáo để hai cha thừa sai là: Pierè Saint Verne và cha Francoise Cordié tạm trú để học tiếng Việt.
Lúc đó ở Trại Nhoi có cậu bé tên là Phêrô Lang, sinh năm 1705 được các cha dạy dỗ, cậu xin đi tu, cha Saint Verne đã gửi cậu sang Xiêm để học, cậu xuống tầu Batavia vào đầu năm 1718. Đến tháng 9 năm 1738 thày Phêrô Lang được chịu chức linh mục. Ngài là cha giáo dạy ở Đại chủng viện Nghệ An và qua đời ngày 29 – 12 – 1754, thọ 49 tuổi.
Đức cha Luis Neéz đã chọn Trại Nho là cơ sở điều hành địa phận trong thời kì cấm cách. Sau khi đã làm việc hơn nửa thế kỉ, trong sự khôn ngoan và cương nghị, Đức Cha Luis Neez đã qua đời tại Trại Nhoi ngày 19 – 10 – 1964, thọ 84 tuổi. Phần mộ của ngài hiện vẫn còn ở Tiêu Viên cho đến ngày nay. Đức Cha Bertranđo lên kế vị, đã chuyển nhà Chung, nhà Tràng về Vĩnh Trị, và lập họ Đồng Chuối Thượng lên xứ, đó là xứ Tiêu Động Thượng ngày nay.

Theo các tài liệu cũ để lại, năm 1846 xứ Tiêu Thượng đã có 5.041 nhân danh và đến năm 1902 đã có 8.600 nhân danh, được phân ra Tiêu Thượng, Tiêu Hạ, Hà Ngoại, Đạo Truyền, An Tập, Bối Kênh, Trung Lương và Đào Duyên. Vinh dự lớn nhất là Tiêu Thượng đã dâng lên Thiên Chúa Thánh Phêrô Hiếu – thầy giảng tử đạo làm vinh danh Giáo Hội Việt Nam và làm vẻ vang quê hương yêu dấu.
Xứ Tiêu Thượng ngày nay được hợp thành họ nhà xứ, họ Ba Hàng, họ Văn Khê và họ Tiêu Viên (Trại Nhoi ngày xưa) quy tụ 4. 917 giáo dân sốt sáng sống đạo thực hành Lời Chúa dạy: kính mến Chúa và đoàn kết yêu thương anh em.
Từ khi bắt đầu theo đạo dân làng đã chọn khu đất này làm nhà thờ và vẫn duy trì cho đến ngày nay. Trải qua 14 kỳ cấm đạo, giáo dân bị ly tán, nhà thờ bị tàn phá, mỗi khi bình an nhà thờ được dựng trở lại ngay, nhưng cũng chỉ mang tính chất tạm thời.

Mãi tới năm 1890 ngôi nhà thờ mới được xây cất bằng gạch lợp ngói nam, cột lim vững chắc. Sau 100 năm phải chịu đựng mưa nắng bão dông, ngôi nhà thờ được trùng tu vào năm 1985 để mừng 100 năm tuổi. Tòa Thánh cho mở năm toàn xá.
Đầu thế kỷ 21, số giáo dân đã tăng lên, ngôi nhà thờ nhỏ không có đủ khả năng phục vụ giáo dân được nữa, nên vào năm 2006 Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt cho phép hạ giải và xây cất ngôi thánh đường mới.
Vào ngày mồng 5 tháng 2 năm 2014, sau 6 năm 3 tháng, ngôi thánh đường rộng rãi khang trang đã được hoàn tất, cộng đoàn giáo xứ hân hoan chào đón Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự thánh lễ cung hiến bàn thờ và nhà thờ “Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu” giáo xứ Tiêu Động Thượng. Đồng tế với Đức Tổng Giám Mục còn có Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến phó chủ tịch ủy ban Caritars Việt Nam và 30 linh mục trong và ngoài giáo phận.
Thánh lễ cung hiến đã được cử hành trọng thể với các nghi thức: trao chìa khóa nhà thờ cho linh mục quản nhiệm giáo xứ Antôn Trần Công Ý và cung hiến bàn thờ và cột nhà thờ.

Kỷ niệm 6 năm cung hiến Thánh Đường
Trước khi bước vào Thánh lễ, cộng đoàn cùng hiệp nhau thờ lạy và tôn vinh Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Những giây phút được lắng đọng tâm hồn bên Chúa giúp cộng đoàn cảm nghiệm được sâu hơn tình yêu mà Chúa đã và thương ban từng ngày trên quê hương giáo xứ.
Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, cha giám quản Phaolô đã giúp cộng đoàn hiểu hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của ngôi thánh đường trong đời sống đức tin của người tín hữu. Thánh Đường là điểm hẹn tâm linh, là nơi con người gặp gỡ Chúa, gặp gỡ nhau, nuôi dưỡng Đức tin, củng cố Đức cậy và gia tăng Đức ái.
Thật vậy ngôi thánh đường đã chứng kiến trọn vẹn hành trình đức tin của chúng ta từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội đến Thánh lễ sau cùng. Từ đó, Cha giám quản mong muốn, mỗi người trong Giáo xứ là một ngôi Thánh Đường nhỏ, xứng đáng để Chúa Thánh Thần ngự trị.
Bên cạnh đó, ngài cũng nhắc nhớ mọi người cầu nguyện cho các bậc tiền nhân, những người đã góp công góp sức để xây dựng ngôi Thánh Đường được khang trang, đẹp đẽ như ngày hôm nay.

Lời kết
Ước mong mỗi người con trong giáo xứ luôn biết gìn giữ và khắc ghi công ơn của các bậc tiền nhân đã góp công dựng xây nên ngôi Thánh Đường, đồng thời biết vun trồng đức tin cho thế hệ con cháu ngày càng thăng tiến và vững mạnh, để ngôi thánh đường của giáo xứ luôn là điểm hẹn thân thương cho đời sống tâm linh được nuôi dưỡng và lớn lên mỗi ngày.
Tham khảo: Tượng Chúa Kito Vua Vũng Tàu Lớn Nhất Châu Á