Giờ lễ nhà thờ Thị Nghè
– Ngày thường: 5h00 – 18h00
– Chúa nhật: 5h00 – 6h30 – 8h00 – 15h00 – 16h30 – 18h00
Nhà thờ Thị Nghè ở đâu?
– Địa chỉ: 22B Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 19, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh
– Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm
– Năm thành lập: 1888 – 1952
– Chánh xứ: Cha Giuse Phạm Quốc Tuấn
– Phó xứ: Cha Gioan B. Nguyễn Xuân Bình
– Phó xứ: Cha Anton Trương Ngọc Minh
Xem thêm
Nhà thờ Công Giáo tại Việt Nam
Tour Hành Hương Công Giáo Việt Nam

Lược sử về nhà thờ Thị Nghè
1. Những năm đầu của 1917
Theo sử chép: “ngôi nhà thờ được xây cất đầu tiên bằng cây ván thô sơ nằm trên cuộc đất rộng lớn trên 3000 thước vuông, xung quanh toàn là ruộng, sình đầy nước đọng quanh năm”.
Không ai biết rõ ngày khởi sự thành lập họ đạo, nhưng theo bài tường trình đăng trên Nam Kỳ địa phận năm 1917: “lúc Đức Cha Vêrô qua đời tại Qui Nhơn năm 1799 thì bổn đạo Họ Thị Nghè cũng luân phiên đến đọc kinh cầu nguyện cho Đức Cha”.
Sự hiện diện của họ đạo Thị Nghè còn được khẳng định qua một dữ liệu khác: “Saigon cuối thế kỷ 18 đã trở thành một trung tâm văn hóa. Đồng thời với văn thơ Nôm được thông dụng tại Saigon và gần Saigon, có những trung tâm phổ biến chữ quốc ngữ trong chừng mức nhất định, đó là các họ đạo lớn và các chủng viện ở Lái Thiêu, Tân Triều, Búng, Thị Nghè, Chợ Quán”.
Thị Nghè không chỉ là một giáo xứ, mà sớm trở thành trung tâm của một trong 12 giáo hạt của giáo phận Tây Đàng Trong và là mãnh đất thuận lợi để mở chủng viện. Năm 1850. Đức Cha Ngãi (Lefèbvre) đã lập nhà trường tạm tại Họ Thị Nghè. Trong số các linh mục lui tới họ đạo trong thời gian này, có Thánh Phaolo Lê Văn Lộc để lại dấu ấn đậm nét khi làm giám đốc chủng viện Thị Nghè.
Sử liệu ghi nhận trong khoảng một năm cha đã dẫn về đoàn chiên giáo hội hơn 200 tân tòng. Khi tình hình căng thẳng, Đức Cha ra lệnh giải tán chủng viện, “cha Lộc vẫn cố nán lại Saigon để gần gũi, hướng dẫn các chủng sinh của mình … Dù khó khăn, cha vẫn cố tiếp tế cho các chủng sinh bị lưu lạc … Một phụ nữ ngoại giáo thấy cha liền báo cáo với quan quân…”.
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, sau khi thụ phong linh mục, năm 1858 đã thi hành mục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, An Giang. Địa danh Gia Định được nói đến trong tiểu sử Thánh Quí chỉ một địa bàn rộng lớn, bao gồm cả khu vực Thị Nghè.
Thánh Andre Nguyễn Kim Thông cũng đã đi qua Thị Nghè. Ông là một trùm họ tại Gò Thị (Bình Định), có công che dấu Giám Mục Cuenot Thể và hi sinh nhiều tiền của để lo việc thờ phụng. Lúc bị bắt năm 65 tuổi và bị lưu đày vào miền Nam: “Ông được gặp Giám Mục Lefèbvre tại Thị Nghè”.
“Kể từ khi nhận nhiệm sở, Giám Mục Lefèbvre không có chỗ ở nhất định, lúc thì ở Lái Thiêu, lúc thì ở Thị Nghè …”. “Giáo dân Thị Nghè hết lòng che dấu cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ tránh khỏi sự bắt bớ của vua quan và đây cũng là nơi lưu lại dấu chân nhiều đấng thánh tử đạo”.
Ngoài ra, lịch sử giáo hội Việt Nam cũng ghi nhận: “Dưới triều cấm cách nghiệt ngã của Minh Mạng, Thị Nghè cũng là địa bàn thuận lợi của các cơ sở từ thiện xã hội”. Ngay từ buổi đầu của họ đạo, mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách, giáo xứ đã trở thành một giáo điểm truyền giáo vững chắc.
Đã có những yếu tố cần của một họ đạo – một chuẩn giáo xứ – được hình thành và tồn tại gần như với quá trình xây dựng Phiên trấn (Saigon) từ thế kỷ XVIII. Sau thời cấm đạo, từ năm 1859, Thị Nghè tiếp tục được Giám Mục Lefèbvre chọn làm nơi tái lập chủng viện để đào tạo linh mục. Trong hoàn cảnh mới, cơ cấu nhà đạo tại Thị Nghè có những thuận lợi cơ bản để phát triển.

2. Vào những năm 1854 trở đi
Ngay từ năm 1854, Giám Mục Lefèbvre đã giao cho linh mục Antôn Triêm coi sóc họ đạo Thị Nghè. Năm 1860, cha Triêm tiếp tục nhiệm vụ trong hoàn cảnh mới. Theo bản tường trình về Địa sở Thị Nghè và theo cha Delpech thì cha Triêm ở Thị Nghè từ năm 1854 đến 1860. Kế tiếp là linh mục thừa sai Puginier được Đức Cha giao cho coi sóc các họ đạo Thị Nghè, Cầu Bông, Gò Vấp và An Nhơn, trước khi trở ra địa phận Tây Đàng Ngoài.
Sau đó, thừa sai Colombert làm mục vụ trong một thời gian. Năm 1867, thừa sai Gentillon được cử làm cha sở. Tiếp theo là các thừa sai Pineau, Gauthier tạm coi Họ Thị Nghè. Năm 1869, thừa sai Martin là cha sở. Năm 1873, cha Delpech về “chánh sở Thị Nghè”.
Tuy vậy, Sổ rửa tội và Sổ hôn phối của họ đạo mãi đến năm 1875 mới được ghi chép. Theo bút tích lịch sử trên thì Họ Thị Nghè nếu chưa được chính thức thành lập bằng văn bản của giáo quyền sở tại, thì cũng đã chính thức hoạt động từ năm 1875 với sổ sách quy điển của Giáo Hội.
Trước năm 1854, họ đạo Thị Nghè được các Đức Cha, các linh mục thừa sai, các cha sở, các cha Việt Nam từ họ đạo Chợ Quán đến chăm sóc và làm mục vụ. Từ năm 1854, các cha sở của giáo xứ đóng góp nhiều công sức xây dựng và phát triển họ đạo với lòng nhiệt tình truyền giáo.
Các ngài đã hy sinh bản thân, gánh chịu bệnh tật, vượt qua những khó khăn nội bộ trong việc điều hành họ đạo, khôn ngoan giải quyết những vấn đề trong giao tiếp với bên ngoài để phát triển họ đạo một cách toàn diện.
Các cha sở đã phục vụ nhà thờ Thị Nghè từ năm 1854 đến nay
1. 1854 ANTÔN TRIÊM
2. 1867 GENTILLON
3. 1869 MARTIN
4. 1873 REMIGIUS DELPECH
5. 1876 PETRUS JOSEPH GRESET
6. 1879 FOUGEROUSE
4b 1885 REMIGIUS DELPECH
7. 1912 ALEXANDRE LIOGER
8. 1936 PHAOLÔ ĐÀO TRÍ TỊNH
9. 1956 PHANXICÔ XAVIER LÊ VĨNH KHƯƠNG
10. 1966 PHANXICÔ XAVIER PHAN VĂN THĂM
11. 1974 DOMINICÔ VÕ VĂN TÂN
12. 1991 PHÊRÔ NGUYỄN CÔNG DANH
– Ngoài ra, trong thập niên 1860, một số năm họ đạo không có linh mục phụ trách, nhưng có các thừa sai đến làm mục vụ:
– Cha Paul Puginier (Phước) 186?-186?
– Cha Colombert (Mỹ) 186?-1867
– Cha Pirreau 1867-1869
– Cha Gauthier 1867-1869

Lễ cầu cho các bệnh nhân tại Giáo xứ Thị Nghè
“Tạ ơn Chúa vì hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ, chúc lành chúng ta qua các lời cầu nguyện cùng những hy sinh.”
Linh mục (Lm) Giuse Phạm Quốc Tuấn – Chánh xứ Thị Nghè, đã đúc kết bài giảng như trên khi ngài chủ tế thánh lễ Đức Mẹ Lộ Đức cho các bệnh nhân vào lúc 15g30 ngày 11-2-2023 tại nhà thờ Thị Nghè.
Từ lúc 14g30, các thành viên trong các gia đình đã đưa các bệnh nhân đến nhà thờ, để Ban Caritas và Ban điều hành các giáo khu hướng dẫn ngồi theo thứ tự. Hai cụ mừng 50 năm hôn phối được ngồi ở hai ghế giữa nhà thờ. Khi mọi người đã ổn định, các linh mục nhà xứ đã cử hành Bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Sau đó, Lm chánh xứ Giuse và hai linh mục phụ tá đã trao cho mỗi cụ một dây chuyền có hình Mẹ Maria và Lòng Chúa Thương Xót do Lm chánh xứ đặt mua và làm phép tặng cho các cụ.
Lm Giuse kể sơ lược câu chuyện Mẹ Maria hiện ra tại Lộ Đức: “Vào ngày 11-2-1858, Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với thánh nữ Bernadette, khi ấy mới 14 tuổi, tại hang núi Massabielle, Lộ Đức. Từ đó cho đến tháng 7-1858, Đức Mẹ đã hiện ra tổng cộng 18 lần, làm nhiều phép lạ và cứu chữa nhiều bệnh nhân. Mỗi lần Mẹ hiện ra đều nhắn nhủ chúng ta hãy sám hối, yêu mến Thánh Thể Chúa, và nhắc chúng ta sống tình yêu Thánh Thể, luôn tín thác vào Chúa để đón nhận ơn chữa lành.
Chúng ta chẳng những cầu xin Chúa chữa lành cho chúng ta mà còn cầu cho những anh chị em khác ở khắp nơi trên thế giới còn đang đau đớn vì bệnh tật. Nơi Mẹ hiện ra có một phòng để các xe lăn, gậy chống… mà các người đã được ơn chữa lành để lại như chứng tích phép lạ Mẹ Maria đã cứu chữa cho họ. Khách hành hương thường tụ họp nhau trước hang đá Đức Mẹ để đọc kinh, lần chuỗi, kết thúc bằng việc đốt nến đi kiệu quanh khu vực Mẹ hiện ra.”
Lm Giuse đúc kết: “Tạ ơn Chúa vì hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ, chúc lành chúng ta qua các lời cầu nguyện cùng những hy sinh.”

Đêm Giáng sinh tại nhà thờ Thị Nghè
“Mong rằng sau đêm diễn nguyện hôm nay, ơn bình an của Chúa Giáng Sinh sẽ ở cùng chúng ta luôn mãi.”
Trên đây là lời chia sẻ của Lm Chánh xứ Giuse Phạm Quốc Tuấn khi ngài làm dấu Thánh giá bắt đầu cho Đêm Diễn nguyện Thánh ca với chủ đề “Đêm Hồng Ân” tại nhà thờ Thị Nghè.
Đến với đêm diễn nguyện có các nữ tu, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và cộng đoàn. Với chủ đề “Đêm Hồng Ân”, các bài thánh ca đều mang nội dung của Mùa Giáng Sinh được thể hiện bằng các loại nhạc cụ với sự trình bày của các ca viên.
Các ca đoàn và các diễn viên đã bắt đầu tập luyện từ đầu tháng 12. Trong buổi tối trước khi diễn nguyện, Lm phụ tá Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Bình, đã điều hành cuộc tổng dợt liên tục cho nhuần nhuyễn.
Đêm diễn nguyện khép lại với bài “Tiếng muôn thiên thần” do ca đoàn tổng hợp trình bày.
Kết thúc bài hát, Lm phụ tá Gioan Baotixita đã chúc cộng đoàn một mùa Giáng Sinh tràn đầy hồng ân. Tiếp theo, ngài đã ban phép lành cho mọi người tham dự.

Lời kết
Mỗi người Công giáo chúng ta là một men muối của Chúa. Cùng đem tin mừng đi gieo khắp nơi. Để mọi người đều biết tới Chúa chúng ta. Xin Thiên Chúa cùng đồng hành chúng ta để trên mọi nẻo đường luôn có Chúa bên mình. Làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn trong Chúa.
>>> Xem thêm: Giờ Lễ Nhà Thờ Song Vĩnh – Nhà Thờ Lối Kiến Trúc Châu Âu