Giờ lễ nhà thờ Phanxico Dakao
– Ngày thường: 5h00 – 17h30
– Chúa nhật: 5h00 – 6h30 – 8h00 – 17h00
Nhà thờ Phanxico Dakao ở đâu?
– Địa chỉ: 50 Nguyễn Đình Chiển, phườn Đa Kao, Quận 1, TP Hồ Chí Minh
– Bổn mạng: Thánh Phanxico Assis
– Năm thành lập: 1973 – 1975
– Chánh xứ: Cha Anphong Nguyễn Công Minh OFM
– Phó xứ: Cha Gioan Baotixita Nguyễn Anh Tuấn
** OFM tiếng anh là Ordo Fratrum Minor hoặc Order of Friars Minor – tiếng việt có nghĩa là Dòng Anh Em Hèn Mọn nhưng người ta thường gọi là Dòng Phanxico hay Dòng Anh Em Phan Sinh
>>> Gợi ý: Tour Hành Hương Cha Trương Bửu Diệp – Nhà thờ Tắc Sậy 1 ngày 1 đêm

Những bước đầu hình thành Giáo xứ
Dòng Phanxicô còn gọi là Dòng Anh Em Hèn Mọn, đặt nền móng ở Việt Nam vào năm 1929. Năm 1930, thành lập tu viện đầu tiên ở Vinh. Năm 1935, mở (Tiểu) Chủng viện ở Thanh Hoá. Và năm 1939 xây dựng Học viện Nha Trang (tương đương như Đại Chủng Viện). Đến năm 1950 hai chi nhánh của Dòng được thành lập tại Sài gòn là Đakao và Cầu Ông Lãnh.
Riêng tại Đakao, theo dân gian, trước đây là một vùng đất gò cao, sau đó người ta đọc trại thành “ĐAKAO”.
Vào tháng 7 năm 1950, cộng đoàn Đakao đã mua lại một ngôi biệt thự cũ và buổi đầu các tu sĩ đã dùng ngôi nhà này để ở tạm và làm nơi sinh hoạt.
Tháng 11, cộng đoàn đã khởi công xây cất một ngôi nhà nguyện nhỏ, khánh thành vào ngày 23-6-1951. Ngay từ đầu, cộng đoàn đã mở cửa cho các tín hữu ở vùng lân cận đến dự lễ và lãnh các phép bí tích. Có các sinh hoạt giáo lý, ca đoàn, nhóm Dòng Ba… Số giáo dân lúc bấy giờ cũng chỉ khoảng 200 người. Đây là nhóm tiên khởi của giáo xứ sau này.
Trải qua hai chục năm, quanh khu vực Đakao rộng lớn vẫn chưa có một ngôi nhà thờ nào, cộng đoàn Nhà Dòng thấy đã đến lúc phải có nơi cho giáo dân sinh hoạt tôn giáo. Ngôi nhà nguyện cũ không đáp ứng đủ cho nhu cầu giáo dân quanh khu vực ngày càng tăng. Cho nên, năm 1972, cộng đoàn đã khởi công xây cất một ngôi nhà thờ mới khang trang và rộng rãi hơn và nay là Nhà Thờ chính của giáo xứ Phanxicô Đakao.
Nhà Thờ được xây dựng theo cấu trúc hai tầng. Tầng trên là Nhà Thờ dành cho việc cử hành Thánh lễ và các bí tích. Tầng dưới dùng cho sinh hoạt họ đạo.
Năm 1973 khánh thành Nhà Thờ và theo giáo luật vẫn chỉ là Nhà Thờ họ thuộc Giáo Xứ Tân Định. Đức Giám Mục giáo phận nhiều lần ngỏ lời thành lập Giáo xứ nhưng vì chưa chuẩn bị nhân sự, nên Nhà Dòng chỉ muốn phục vụ với tư cách một giáo họ “lệ thuộc”.
Đến năm 1975, tình hình đã thay đổi, Nhà Dòng có thêm nhân sự và để phục vụ tín hữu hữu-hiệu hơn, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã chấp thuận để thành lập Giáo xứ độc lập, tách khỏi Giáo xứ “mẹ” Tân Định.

Quá trình phát triển xứ Đạo
Khi đã trở thành Giáo xứ độc lập, các sinh hoạt tôn giáo không ngừng được củng cố và phát triển. Sau gần 30 năm, Giáo xứ đã thay đổi 6 đời linh mục phụ trách Xứ :
– Lm Biển Đức Trần Minh Phương là cha Sở đầu tiên 3 năm (1975 -1978)
– Lm Bosco Nguyễn Văn Đình 9 năm (1978-1987)
– Lm Savio Nguyễn Chí Chức 3 năm (1987-1990)
– Lm Irênêâ Nguyễn Thanh Minh 9 năm (1990-1999)
– Lm Saviô Nguyễn Chí Chức trở lại 3 năm (1999 -2002)
– Lm An-phong Nguyễn Công Minh phụ trách Giáo xứ, từ tháng 4 năm 2002.
Và vì Giáo xứ vẫn trực thuộc Dòng, nên ngoài thành phần giáo dân chính thức, nhiều người ở các địa phương xa xôi khác, mến mộ tinh thần thánh Phanxicô cũng thường xuyên đến đây sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là các anh chị em Dòng Ba Phanxicô.
Giáo dân trong xứ cũng thường tăng giảm theo thời điểm. Từ cộng đoàn tiên khởi 200 người, đến năm 1975, số giáo dân đã trên 2.000 người và những năm sau đó, vì kế sinh nhai hoặc vì nhiều nguyên do khác, số giáo dân lại giảm dần.
Sau đợt giải toả lớn, giáo dân phân tán các nơi, nên hiện nay (năm 2004) còn khoảng 1.000 tín hữu. Tuy vậy, các ngày lễ trọng, Chúa nhật, giáo dân các nơi vẫn tới tham dự Thánh Lễ đông đảo. Mỗi Chúa nhật có 5 Thánh Lễ (kể cả lễ chiều thứ bảy thay thế Chúa nhật) dành cho các giới, chưa kể các thánh lễ dành cho Hội đoàn, Nhóm.
Địa hình Giáo xứ Phanxicô Đakao không như nhiều Giáo xứ khác trong thành phố. Với đặc điểm là giáo dân không “toàn khối” sống tập trung thành một nơi, mà phần lớn là “người góp” của dân cả ba miền : Bắc, Trung, Nam, giáo dân Đakao ở tản ra trên địa bàn rộng trong các khu phố cách biệt nhau.
Theo nhận xét của linh mục cựu chánh xứ Nguyễn Thanh Minh : Trong điều kiện giáo dân sống phân tán và cách biệt về mức sống như thế, việc tạo cho người dân có ý thức sâu sắc về cộng đoàn giáo xứ thực tế không đơn giản. Bởi thế đòi hỏi cộng đoàn tu viện phải nỗ lực, làm việc nhiều hơn.
Và một trong những ý hướng đó, giáo xứ đã thành lập Hội Đồng Giáo Xứ và chia thành nhiều Xóm, có người đứng đầu phụ trách. Giáo xứ còn luôn tạo cơ hội cho cộng đoàn học hỏi, tiếp xúc với Lời Chúa, đặc biệt đối với những người trẻ. Hướng các thành phần trẻ học tập, đào sâu về Lời Chúa không chỉ thuần lý thuyết mà còn kết hợp với các buổi sinh hoạt, tổ chức các cuộc thi tranh vẽ về tôn giáo nhằm gây ý thức và nâng cao trình độ tôn giáo cho các em…
Về các hoạt động từ thiện, xã hội, Giáo xứ vẫn dựa trên tinh thần thánh Phanxicô, chăm lo cho những người bất hạnh hơn hết. Giáo xứ đã tham gia nhiều sinh hoạt, hỗ-trợ cho những người nghèo sống quanh khu vực. Tham gia vào mạng lưới y tế phường, bảo trợ thiếu nhi, mở các lớp năng khiếu và luôn hướng các thành phần trẻ tham gia vào các lãnh vực xã hội…
Giáo xứ Phanxicô Đakao, vừa là Giáo xứ vừa là điểm hoạt động của tu viện, nên còn quan tâm đặc biệt đếùn các sinh hoạt tôn giáo trong Giáo phận như sinh hoạt Liên Tu sĩ (trên 20 năm), các lớp nhạc dành cho các ca trưởng trong một số Giáo xứ …

Giáo xứ mừng bổn mạng Thánh Phanxico Assis
Thánh lễ mừng kính Thánh Phanxicô Assisi được tổ chức long trọng tại Giáo xứ Phanxicô Đakao, quận 1. Thánh lễ do Linh mục (Lm) Gioan Thiên Chúa Nguyễn Thiên Phước – Phó Giám tỉnh dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam (OFM) chủ tế. Đồng tế với ngài có các linh mục dòng OFM tại miền Sài Gòn.
Tham dự thánh lễ có các sơ dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, các sơ dòng Chị Em Thanh Bần Clara, anh em Dòng Phan Sinh Tại thế, Giới trẻ Phan Sinh, các tu sĩ của nhiều dòng tu khác có liên hệ với Dòng Anh Em Hèn Mọn, Hội Bảo Trợ Ơn gọi Phan Sinh, các anh em Cựu Phan Sinh và rất đông giáo dân giáo xứ Phanxicô Đakao.
Mở đầu thánh lễ, Lm chủ tế đã chia sẻ “lý do thánh lễ hôm nay được mừng long trọng hơn vì cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta mừng kỷ niệm 5 năm sứ điệp Laudato Si được công bố. Đây cũng là dịp mời gọi mọi người sống theo tinh thần Phan Sinh của Thánh Phanxicô”.
Lm chủ tế đã nhấn mạnh lòng nhiệt huyết và tinh thần truyền giáo của Thánh Phanxicô. Sau đó, ngài kể một câu chuyện để đưa ra đúc kết: “Chúng ta không chỉ truyền giáo bằng lời nói mà còn phải truyền giáo bằng hành động, bằng việc làm cụ thể trong các sinh hoạt thường ngày. Nhờ đó, chúng ta có thể sống tinh thần truyền giáo cách triệt để hơn”.
Linh mục chủ tế đã có lời cám ơn đến các linh mục, các dòng tu, các hội đoàn đã đến tham dự Thánh lễ để hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Phanxicô Đakao và cho Dòng Anh Em Hèn Mọn.

Giáo xứ Phanxico Dakao – Lễ các Bệnh nhân
Lễ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, cũng là ngày Lễ Quốc tế Bệnh Nhân (QTBN) lại rơi vào ngày mồng Hai Tết, mà theo Phụng vụ trong nghi thức phong tục Việt Nam, ngày mồng Hai là ngày Chúc Thọ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, nên giáo xứ đã dời việc này vào ngày 27 Tết (tức ngày 7.2.2013) để dâng Thánh lễ và xức dầu cho các bệnh nhân, cũng như phát quà cho các người có hoàn cảnh đặc biệt.
Nhiều cụ cao niên và bệnh nhân đã được đưa đến giáo xứ. Giáo xứ đã mua thêm 2 xe lăn nữa (tổng cộng có 3 chiếc) để đón chuyển các bệnh nhân từ xe xuống. Các anh chị em tiếp tân đưa vào thang máy, và sau đó, đẩy vào chỗ ngồi trên nhà thờ. (vì nhà thờ giáo xứ trên lầu một). Các cụ và các bệnh nhân được cha sở xức dầu và dâng Thánh lễ cầu nguyện và chúc lành.
Ước mơ những khi gối mệt chân chồn, tay chân bủn rủn vì kế sinh nhai, vì đường đời lam lũ đè nặng trên đôi vai, những tờ vé số sao bán ế quá, ve chai sao chẳng lượm được gì nhiều, thì họ chạy đến cầu cùng Thánh Antôn hay Mẹ Maria.
Những người làm việc trong giáo xứ thường xuyên chứng kiến cảnh những cụ già lụm khụm, chân yếu, tai lãng, mắt mờ đưa cao xấp vé số trước tòa Mẹ Maria: “Khẩn xin Mẹ đoái thương con cùng…” vẫn xảy ra. Hay những chị bán bèo, bán hàng rong chạy u vào tòa Mẹ để cầu nguyện trong nước mắt, xin Mẹ cho bán được hàng…

Lời kết
Không phải chỉ có con người đau khổ, nhưng chính Con Thiên Chúa làm Người cũng đã chịu đau khổ và phải thốt lên trên thập giá: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” Và chính Chúa đã cảm nghiệm trong thận phận con người tất cả những đau khổ nhân thế để cùng cứu chuộc nhân loại. Vậy, ngày nay, chính Ngài cũng mời gọi mỗi người khi mang trong thân xác những đau khổ phần xác hồn… cùng nâng thế giới này lên Chúa Cha.
TÌM HIỂU THÊM
Nhà thờ Công Giáo tại Việt Nam
Ghé 7 Nhà Thờ Ở Bình Châu Hồ Cốc, Nơi Cầu Nguyện Của Con Chiên