Nhà thờ Ô Môn – hạt Cần Thơ – Giáo phận Cần Thơ

5/5 - (3 bình chọn)

Giờ lễ nhà thờ Ô Môn

– Ngày thường: 17h00

– Chúa nhật: 7h30 – 17h30

Nhà thờ Ô Môn ở đâu?

– Địa chỉ: 188 Trần Hưng Đạo, kv 14, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ

– Thành lập năm 1957

– Bổn mạng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

– Chánh xứ: Lm Phero Huỳnh Phúc Hậu

– Phó xứ: Lm Phero Đặng Minh Giang

>>> Gợi ý: Tour Hành Hương Công Giáo tại Việt Nam

giờ lễ nhà thờ ô môn
Nhà thờ Ô Môn – Cần Thơ

Lịch sử về nhà thờ Ô Môn

1. Hạt giống đức tin buổi sơ khai

Gia đình có đạo cố cựu nhất tại khu vực chợ Ô Môn là gia đình ông Phêrô Võ Văn Tuấn (thân phụ cô mụ Hồng), gốc từ họ đạo Ba Mít, đến cư ngụ tại xóm Cao Đài, ấp Quyết Thắng.

Năm 1946, có thêm gia đình ông Phêrô Lê Hoàng Ba (quen gọi ông Ba Lê Hoàng, ông giáo Răng) từ Thới Lai chuyển đến cư ngụ tại chợ Ô Môn.

Hai năm sau (1948), có thêm ông bà Nicôla Nguyễn Văn Cưởng (Ông Bẩy Cưởng, nhạc phụ ông Lê Hoàng) cũng bỏ Thới Lai ra Ô Môn. Ngoài 2 gia đình trên, còn có một số quân nhân Việt, Pháp, và công chức. Tất cả trên dưới 30 người.

2. Những thánh lễ thuở đầu

Khoảng 1950, có 1 linh mục người Pháp từ Nam Vang (Campuchia) về tạm trú ở nhà thờ Cầu Xéo (nay là nhà thờ chánh Toà Cần Thơ). Ngài nghe ở Ô Môn có giáo dân, nên tìm đến liên hệ để dâng thánh lễ, giải tội v.v… Đây là hình ảnh người chăn chiên luôn hướng tìm những con chiên lẻ loi.

Trong giai đoạn nầy, chưa tìm ra được nơi có mái che mưa nắng để đặt bàn thờ dâng thánh lễ, vì nhà của giáo dân duy nhất tại chợ lại là tiệm buôn Lê Hoàng, đó là nhà của ông Lê Hoàng Ba, ở ngay góc phố đầu chợ, và rất chật hẹp vì vừa là nhà ở vừa là tiệm buôn. Còn nhà của ông Tuấn thì xa chợ, nằm trong 1 hẻm nhỏ; Còn trại lính thì người dân thường không thể vào ra.

Vì thế cha con đành phải đặt bàn tế lễ giữa sân đánh quần vợt (sân tennis) Ô Môn, nay là dãy tiệm buôn Toàn Phát, Huy Hoàng, góc đường Trần Hưng Đạo và 30 tháng 4.

Những thánh lễ ban đầu được cử hành như thế, do các linh mục Pháp, Việt từ nhà thờ Cầu Xéo thỉnh thoảng ghé tới.

Hồng ân Chúa đã đổ xuống và vun xới cho những cây giống mới gieo trồng, đang bén rễ và đâm chồi ở Ô Môn trong hoàn cảnh như thế. Và từ đó, Ô Môn mặc nhiên trở thành điểm truyền giáo thuộc nhà thờ chánh toà Cần Thơ.

giờ lễ nhà thờ ô môn
Nhà thờ Ô Môn

3. Nhà thờ đầu tiên

Khoảng đầu năm 1956, Đức Giám Mục giáo phận, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng đến dâng thánh lễ cho Ô Môn. Sau đó, ngài liên hệ mua cho Ô Môn 1 căn nhà cũ bằng gỗ lợp ngói để làm nhà thờ. Nhà này vốn là câu lạc bộ ăn uống của quân đội Pháp, nằm sát liên tỉnh lộ 27 (nay là khoảng trống bên trái, sát cổng nhà thờ).

Nhà được sửa lại để làm nhà thờ dưới sự hướng dẫn của cha sở Thới Lai, cha Phêrô Mai Thanh Nguỳ, cùng sự hỗ trợ của giáo dân Thới Lai. Tháng 8 năm 1956, nhà thờ đầu tiên được hoàn thành, giáo điểm Ô Môn coi như chính thức được thành lập, trực thuộc Toà Giám Mục và được sự hỗ trợ thường xuyên của cha sở họ đạo Thới Lai.

Trong thời gian này, có 2 gia đình được phép đến ở khu vực đất nhà thờ (Bà 8 Tàu Hũ, Ông 10 Tỵ). Sau đó một số gia đình lánh nạn chiến tranh đến xin tạm cư ngụ. Sổ rửa tội họ đạo bắt đầu ghi từ ngày 30.3.1957. Cho đến ngày 19.4.1962, có được 47 người được rửa tội.

4. Quý chức đầu tiên

Nhà thờ sau khi hoàn thành được giao cho ông Nicôla Nguyễn Văn Cưởng chăm sóc quản lý, cùng với sự cộng tác của ông Phêrô Võ Văn Tuấn (bà con giáo dân quen gọi 2 ông là ông Biện Tuấn, Ông Biện Bảy).

Nhà thờ mới, họ đạo mới, trăm sự đều thiếu thốn. Nhân sự thì ít ỏi, tài chánh thì trống không, vì thế ông Bảy một mình lo toan mọi sự, từ Phụng vụ Kinh sách, đến việc quản lý tài sản, kiếm tiền chi phí cho việc đèn đóm hương hoa. Ngoài một số ít do bà con đóng góp, còn lại bao nhiêu ông Bảy phải gồng gánh tất cả.

Từ khi có nhà thờ, ông gắn liền đời mình cho nhà thờ, cho họ đạo cho đến lúc sức tàn lực kiệt… Noi gương ông, với Hồng ân Chúa ban, hai người cháu ngoại của ông đã tận hiến đời mình cho Tin Mừng, đó là các linh mục Phêrô Lê Quang Phú và Antôn Lê Quang Trinh. Phần thưởng Chúa ban cho gia đình ông cũng là niềm vinh dự chung cho cả họ đạo.

giờ lễ nhà thờ ô môn
Giáo xứ Ô Môn

5. Cha Sở đầu tiên

Năm 1962, cha Antôn Nguyễn Hữu Văn, sau khi thụ phong linh mục, được bổ nhiệm làm quản sở họ đạo Ô Môn. Ô Môn trở thành họ đạo đầu tiên trong đời linh mục của cha. Và Ô Môn cũng lần đầu tiên có cha sở. Mọi sự đều trong tình trạng mới mẻ thiếu thốn. Cha sở cư ngụ tại Thới Lai vì còn kiêm nhiệm họ Thới Lai và thêm một nhà thờ tại chợ Thới Lai.

Tại Ô Môn, chỉ trơ trọi ngôi nhà thờ nhỏ, còn phía sau là một bãi cỏ hoang. Nhiều công trình sẽ phải xây dựng:

– Cha Sở cùng một số anh em giáo dân từ Thới Lai ra đã xây lên một bức tường rào kiên cố.

– Một đài Đức Mẹ được xây gần cổng khuôn viên.

– Một ngôi nhà xứ bán kiên cố vách tường, lợp tôn.

– Một dãy nhà gỗ 4 căn lợp tôn để dạy giáo lý, và để khách vãng lai tạm trú.

– Tiếp đó là một nhà kho, một dãy chuồng heo, một ao cá.

– Một căn nhà gỗ lợp tôn dự trù làm nhà cha sở.

– 2 phòng học (6x12m), trong đó một phòng ngày Chúa Nhật dùng tạm làm nhà nguyện, ngày thường vẫn là lớp học.

Sau đó cha cho tháo gỡ nhà thờ gỗ đầu tiên.

– Cha sở còn mua 1000m2 đất, để làm đất thánh cho họ đạo như ngày nay.

Ba năm (1962-1965) quản nhiệm họ đạo mới lập, đây là quãng thời gian tương đối ngắn, nhưng cha đã giúp cho họ đạo trẻ tiến được một bước khá dài về cơ sở vật chất. Số anh chị em giáo dân cũng tăng dần khi Lời Chúa có chỗ loan truyền an định. Trong 3 năm này số người được rửa tội là 144.

Ca đoàn cũng có từ khi có nhà thờ. Lúc đầu chỉ là một nhóm các cô biết hát trong thánh lễ do người đi theo các cha hướng dẫn. Khi cha Văn về, có thêm thày Giuse Nguyễn Hữu Tài, thày Piô Ngô Phúc Hậu giúp, và có đờn, hội hát mới chính thức hình thành.

giờ lễ nhà thờ ô môn
Đền Thánh Giuse tại nhà thờ Ô Môn

6. Những diễn tiến và thăng trầm

1965-1967, Cha sở Giuse Bùi Đức Hiền

Ngài tiếp nối việc mục vụ của cha sở Antôn. Ban quý chức do ông Nicôla Nguyễn Nhựt Ánh đứng đầu, cùng với 2 vị cố vấn là các ông Phêrô Lê Hoàng Ba, và Antôn Nguyễn Văn Thượng. Các khu, các ban chưa thành hình. Tài sản, Phượng tự vẫn do ông Bảy Cưởng lo. Trong thời gian này, hội Đạo Binh Đức Mẹ (Lêgiô) được thành lập. Trong 2 năm, số người được rửa tội là 79.

1967-1971, Cha sở Gioan Baotixita Hồ Văn Đợi

Đây là thời gian chiến tranh ác liệt. Giáo dân tăng dần lên do giáo dân lánh nạn chiến tranh đến sống tại Ô Môn, và một số gia đình tân tòng. Trong 4 năm, số người được rửa tội là 94.

1971-1975, Cha sở Giuse Lê Hiến

Trong thời gian này, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể trong họ đạo được bừng lên với những sinh hoạt rất năng động, những cuộc cắm trại dã ngoại xa nhà thờ đầy phấn khởi.

Ban quý chức do ông Phêrô Lê Quang Trọng đứng đầu. Ca đoàn đã khá trưởng thành. Giới trẻ cộng tác mạnh mẽ trong sinh hoạt họ đạo và công tác xã hội. Trong 4 năm, số người được rửa tội là 103.

1975-1991, Cha sở Giuse Ngô Thanh Bính

Đến 1975, đất nước trải qua cuộc bể dâu thật lớn lao. Trong họ đạo, năm 1975 là một trang sử mới đầy thăng trầm, buồn vui lẫn lộn (trầm buồn nhiều hơn vui).

Lúc này, sinh hoạt đạo bị hạn chế nhiều mặt. Có lúc HĐGX chỉ được công nhận chính thức với 2 thành viên, cùng với danh xưng là Ban Đại Diện.

Những lúc gặp khó khăn, lại là lúc lòng nhiệt thành được dịp bốc cao, những buổi gặp nhau học Lời Chúa càng nhiều. Những cảm nhận Lời Chúa nơi mỗi cá nhân, nơi một số gia đình đã được dịp chia sẻ với nhau qua sự hỗ trợ quý giá của thầy 5 Minh thuộc tu hội Nagia. Trong thời gian này, 3 nhóm tương đồng về tuổi tác kết nguyền nhận nhau làm anh em, trở thành một gia đình, lấy danh hiệu là “Gia Đình Tình Thương”, với phương châm: “Làm tốt, nghĩ tốt, nói tốt cho nhau. Cùng kề vai góp sức phục vụ họ đạo”.

Do biến cố 75, người thành thị hồi cư, quân nhân công chức trở về nguyên quán. Số giáo dân lúc đó trên 300 người. Giáo dân tăng, cha sở trẻ, nhà xứ Ô Môn luôn náo nhiệt. Ban cố vấn đưa ra khẩu hiệu “Lập lại trật tự nhà xứ” để giữ được kỷ cương nhà xứ, uy tín họ đạo.

Biến cố 75 làm đa số bị tê liệt trong cách nghĩ cách làm, nhất là sinh hoạt đạo. Thí dụ: Sau hoà bình 2 năm, 1977, ông hiệu trưởng trường tiểu học đối diện nhà thờ sang mượn cha sở l phòng học còn bỏ trống, vì sau tiếp thu không được dạy. Cha sở liền cho họp ban quý chức, ban cố vấn, nhưng vẫn không tìm ra câu trả lời thích đáng để bảo vệ tài sản họ đạo, đồng thời cũng không tìm ra lý do từ chối. Kinh nghiệm nóng hổi cho biết, trước đó đã cho mượn 2 máy đánh chữ, có mượn mà không có trả.

Năm 2005, 2006, mùa hè có các thày Don Bosco tới giúp cho giới trẻ. Nhờ đó một số bạn trẻ được huấn luyện để tham gia sinh hoạt họ đạo, và hy vọng sẽ trở thành những thành viên tương lai của HĐGX .

HĐGX Nhiệm kỳ 2003- tới nay: – Chủ tịch: Ông Phêrô Lê Công Tuấn, sau đó là ông Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Xuân – Phó chủ tịch: Ông GB Nguyễn Quang Đảm và Ông Gioakim Nguyễn Văn Hải, với đủ các ban ngành cần thiết.

giờ lễ nhà thờ ô môn
Đài Đức Mẹ tại nhà thờ Ô Môn

Lời kết

Dịp kỷ niệm Kim-khánh thành lập giáo xứ Ô Môn năm 2006 vừa qua, họ đạo đã có dịp nhìn lại quá khứ để nhớ đến công lao của biết bao người, những ân nhân xa gần, còn sống cũng như đã qua đời, đã góp công góp của, góp sức lực xây dựng nên giáo xứ này và giúp giáo xứ phát triển cho đến ngày nay. Đây cũng là cơ hội để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, cải tiến và vạch đường hướng cho tương lai hầu xây dựng họ đạo thành một cộng đoàn Đức tin, Phượng tự, Bác ái và Truyền giáo.

Mong rằng Hạt giống Nước Trời, do những người đi trước đã khó nhọc gieo vãi, sẽ nảy nở và trổ bông chín vàng trong ngày mùa sau hết.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con xin lỗi Chúa. Xin Chúa tiếp tục ban phước lành cho giáo xứ Ô Môn chúng con.


THAM KHẢO 

Thăm Hang Đức Mẹ Côn Đảo Trong Rừng Rậm Hoang Sơ

Tour Hành Hương Đức Mẹ Bãi Dâu – Chúa Kitô Vua Vũng Tàu 1 ngày

Tour hành hương Đức Mẹ Măng Đen 2 ngày 2 đêm