Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình (Gò Vấp) – Giáo phận Sài Gòn

5/5 - (2 bình chọn)

Giờ lễ nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình

– Ngày thường: 4h45 – 17h45

– Chúa nhật: 4h45 – 6h15 – 17h15 – 19h00

Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình ở đâu?

– Đia chỉ: 62/3 Lê Đức Thọ, phương f13, quận Gò Vấp, TPHCM

– Bổn mạng: Mẹ Thiên Chúa

– Chánh xứ: Cha Inhaxio Nguyễn Quốc Bảo

>>> Xem thêm:Tour Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao – Đức Mẹ Núi Cúi 

giờ lễ nhà thờ nữ vương hòa bình
Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình – Gò Vấp

“Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 1,17)

Cha Giuse Bùi Văn Quyền – chánh xứ Nữ Vương Hòa Bình, giáo hạt Xóm Mới – đã vui vẻ nhắc lại lời Chúa trên đây, khi được hỏi về công trình nâng nhà thờ, nhà xứ lên cao 2m đang được tiến hành.

Nâng nhà thờ lên 2 mét

Để thực hiện công trình nâng cao nền nhà thờ, cha chính xứ Giuse và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX) đã phải tổ chức nhiều buổi họp, tham khảo ý kiến nhiều người và nhiều chuyên gia…

Đặc biệt, có những đêm không ngủ được, ngài và ông Giuse Lê Văn Nam – Chủ tịch HĐMVGX – đã rảo quanh nhà thờ, qua bên kia đường Lê Đức Thọ để quan sát địa hình, địa thế  và ngôi nhà thờ hiện tại đang thấp hơn mặt đường Lê Đức Thọ khoảng 1m, sau khi đoạn đường này vừa được cải tạo và nâng cao.

Ông chủ tịch HĐMVGX cho biết thêm:

“Nhiều chục năm qua, địa bàn chúng tôi trong tình trạng thiếu thốn nhiều mặt. Vì ở vùng trũng, dẫn đến ngập lụt mỗi lúc mưa to, nhất là khi triều cường; hiện khuôn viên nhà thờ quá thấp so với mặt đường Lê Đức Thọ nên càng thê thảm hơn!

“Đến nay, khi Nhà Nước cải tạo và nâng cấp đoạn đường Lê Đức Thọ, nhà dân hai bên đường cũng được sửa chữa đẹp đẽ và khang trang là điều đáng mừng. Thế nhưng, khu vực này chỉ có duy nhất ngôi thánh đường giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình cần được đại tu, lại thấp hơn mặt đường cả mét, nên cần có phương án chỉnh trang phù hợp và ít tốn kém, nhưng vẫn giữ được ngôi nhà thờ hiện nay.”

giờ lễ nhà thờ nữ vương hòa bình
Nhà thờ Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình – hạt Xóm Mới

Những ngày đầu thành lập Giáo xứ

Do chiến cuộc, từ cuối năm 1963, khoảng 20 gia đình Công giáo với vài chục nhân khẩu chạy khỏi vùng mất an ninh về khu vực Gò Vấp và gặp được cha Anrê Nguyễn Văn Đại. Khi biết tình hình cụ thể, ngài đã xin Tòa Tổng giám mục Sài Gòn (Tòa TGM) cho bà con lánh nạn vào khu đất ở ven đô mà Tòa TGM là chủ sở hữu, một phần đang trồng dứa (thơm).

Rồi nhiều chục người, sau đó cả trăm người lại tìm đến tá túc ở khu đất Nhà chung này và được cưu mang với tên gọi: “Trại Tỵ nạn chiến cuộc Fatima” (cư dân địa phương thường gọi là Trại Thơm).

Đến năm 1965, Tòa TGM cho phép hình thành họ đạo Fatima thuộc giáo xứ Hạnh Thông Tây, và cử cha Anrê Nguyễn Văn Đại – chánh sở Hạnh Thông Tây – phụ trách. Đây là thời điểm hình thành của giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình.

Cha Anrê đã cho dựng ngôi nhà thờ đầu tiên để mỗi sáng Chúa nhật, ngài đến dâng Thánh lễ. Địa bàn lúc đó thuộc ấp Dân An 10, xã An Nhơn, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

Sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, Tòa TGM giao họ đạo về giáo xứ Chợ Cầu (giáo hạt Hóc Môn) quản lý về đất đai, và cử cha Phanxicô Xaviê Vũ Văn Nhân lo về mặt thiêng liêng.

Ngày 17.6.1971, Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã nâng họ đạo lên giáo xứ với tên “giáo xứ Fatima” thuộc giáo hạt Xóm Mới, và bổ nhiệm cha Tôma Nguyễn Văn Thuyết làm chánh xứ tiên khởi. Đến năm 1972, được sự chấp thuận của Tòa TGM, giáo xứ đổi tên thành “giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình” – lễ bổn mạng vào ngày 01.01 hằng năm.

giờ lễ nhà thờ nữ vương hòa bình
Nhà thờ Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình

Các vị Mục tử đã phục vụ tại Giáo xứ

– Từ 1965 đến 1968: Cha Anrê Nguyễn Văn Đại – chánh xứ Hạnh Thông Tây – phụ trách. Ngài dâng lễ vào sáng Chúa nhật hằng tuần (Ngài từ trần ngày 12.02.1988).

Ngoài ra còn có cha Phêrô Hồ Đắc Khấn và cha Liêm (còn gọi là cha Khánh) cộng tác với tính cách cá nhân.

– Từ 1969 đến 1970: Cha Phanxicô Xaviê Vũ Văn Nhân – chánh xứ Chợ Cầu – đến giúp (Ngài qua đời ngày 24.6.1998).

– Từ 1971 đến 10.8.1975: Cha Tôma Nguyễn Văn Thuyết được bổ nhiệm là chánh xứ tiên khởi. Ngày 10.08.1975, ngài nhận nhiệm sở khác và qua đời ngày 12.3.1990. Sau biến cố 30.4.1975, cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận có về giúp giáo xứ một thời gian.

– Từ 10.8.1975 đến 17.02.1976: Cha Phêrô Phan Anh Thụ làm chánh xứ thứ 2. Ngài bị tạm giam ngày 17.02.1976 và mất ngày 16.9.1979.

Trong khoảng thời gian giáo xứ không có cha chánh xứ, cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận tiếp tục phụ giúp giáo xứ. Ngài mất ngày 05.9.2019.

– Từ tháng 7.1976 đến 10.1976: Cha Phêrô Vũ Văn Mạch được bổ nhiệm là chánh xứ thứ 3. Tuy nhiên, khi quản xứ được 99 ngày, ngài lâm bệnh phải nghỉ hưu. Ngài qua đời ngày 30.6.2001.

– Từ 18.10.1976 đến 05.12.1999: Cha Giuse Nguyễn Hòa Nhã, chánh xứ thứ 4. Ngài bị xuất huyết não vào sáng 20.8.1999 và nghỉ hưu từ ngày 05.12.1999. Ngài về Nhà Cha ngày 13.02.2005.

Từ ngày cha Giuse Nhã lâm bệnh, cha Hạt trưởng Xóm Mới Giuse Vũ Minh Nghiệp quản nhiệm và cha Giuse Bùi Văn Quyền phụ giúp.

– Từ 18.04.2000 đến 06.11.2008: Cha Giuse Phạm Trung Thu, chánh xứ thứ 5. Ngài lâm bệnh khi đang dâng Thánh lễ sáng 04.10.2008 nên phải nghỉ hưu và đi dưỡng bệnh. Ngài về Nhà Cha ngày 12.4.2019.

Từ 06.11.2008, cha Hạt trưởng Đaminh Đinh Ngọc Lễ quản nhiệm giáo xứ.

– Từ 12.8.2009 đến 2020: Cha Giuse Bùi Văn Quyền, chánh xứ thứ 6. Từ nhiều năm nay, vào giữa hay cuối tháng 11 hằng năm, cha chánh xứ và HĐMVGX đều đến viếng mộ và cầu nguyện cho các vị tiền nhiệm đã được Chúa gọi về. Ngài cùng với HĐMVGX đã có quyết định nâng nhà thờ lên 2m với hiện trạng hiện nay.

– Từ năm 2020 đến nay: Cha Inhaxino Nguyễn Quốc Bảo là người đang coi sóc Giáo xứ này.

giờ lễ nhà thờ nữ vương hòa bình
Đài Thánh Giuse tại nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình

Các ngôi nhà thờ qua từng giai đoạn

– Nhà thờ tiên khởi: Năm 1965, cha Anrê Nguyễn Văn Đại nhờ Ban Tiếp cư (Ban lo cho những người tỵ nạn) giúp vật liệu để xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên gồm 7 gian (21m x 6m) lợp bằng lá dừa nước, cột gỗ tròn, chung quanh để trống, nền đất.

– Nhà thờ thứ hai: Cuối năm 1967, ngôi nhà thờ cũ bị dột nát và xiêu vẹo, cha Anrê dựng lại nhà thờ mới với cột vuông, mái lợp tôn, nền xi măng gồm 6 gian (18m x 11m). Nhà thờ chưa hoàn thiện thì bị trúng bom sập hoàn toàn trong biến cố Tết Mậu Thân 1968.

Khi bà con trở về tái định cư, Ban Hành giáo và bà con tận dụng vật liệu còn lại để dựng thành nhà kho cất giữ các đồ dùng của giáo họ.

– Nhà thờ thứ ba: Năm 1969, cha Phanxicô Xaviê Vũ Văn Nhân được cử đến giúp. Sau ít lần dâng lễ tại nhà giáo dân, ngài cho dọn dẹp nhà kho để cử hành Thánh lễ.

Năm 1971, khi được Tòa TGM nâng lên thành giáo xứ, cha chánh xứ tiên khởi Tôma Nguyễn Văn Thuyết đã vận động bà con và ân nhân, cùng với sự trợ giúp của Hợp tác xã chăn nuôi Âu Lạc, ngôi nhà thờ thứ ba có 6 gian (23m x 7m50) với mái lợp tôn, cột gỗ vuông, nền xi măng, chung quanh phía ngoài ghép tôn còn bên trong ghép ván ép đã được hình thành.

– Nhà thờ thứ tư: Sau 30.4.1975, do số giáo dân gia tăng, nhà thờ cũ không còn đủ chỗ cho giáo dân tham dự Thánh lễ. Vì thế, vào lễ kính Thánh Giuse 19.3.1981, cha Giuse Nguyễn Hòa Nhã cùng với giáo xứ đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với mái lợp tôn, sắt đổ đà là cọc ấp chiến lược, tận dụng vỉ sắt ghi hàn lại thành những phẹc (vì kèo), chung quanh xây tường gạch, nền xi măng, nền cung thánh là đá mài.

Nhân lễ kính Mẹ Thiên Chúa – Nữ Vương Hòa Bình – bổn mạng giáo xứ, ngày 01.01.1982, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chủ sự Thánh lễ khánh thành. Sau này, cha chánh xứ cùng bà con giáo dân đang chuẩn bị xây lại nhà thờ mới thì ngài bị lâm bệnh. Ngày 01.12.1999, ngài về nghỉ hưu tại Thủ Đức.

– Nhà thờ thứ năm: Ngày 18.4.2000, Đức TGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm cha Giuse Phạm Trung Thu làm chánh xứ. Chỉ qua 100 ngày nhậm xứ, sau khi bàn bạc và thống nhất ý kiến chung, ngài cùng với giáo dân quyết tâm thực hiện công việc còn lại của vị tiền nhiệm. Vì thế, ngày 29.7.2000, Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường hiện nay được cử hành trọng thể.

Ngôi nhà thờ mới rất kiên cố được thi công và hoàn tất trong 152 ngày, với lầu 1 là nhà thờ dài 38,5m, rộng 20m. Tầng trệt làm hội trường, hoa viên, văn phòng, lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng, nhà an nghỉ… Đồng thời, nhà xứ cũng hoàn thành với dãy nhà 3 tầng (một trệt, hai lầu) liền kề phía đầu nhà thờ gồm phòng cha xứ và các phòng học giáo lý…

Đây là ngôi nhà thờ thứ năm (hiện nay đã được kích nâng lên cao 2m) đã được Đức TGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm phép và khánh thành vào ngày 31.12.2000.

giờ lễ nhà thờ nữ vương hòa bình
Nhà thờ Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình

Lời kết

Như vậy, sau 53 năm hình thành (1965-2018), giáo xứ đã có nhiều tiến triển về đời sống tâm linh, cơ cấu tổ chức… Giáo xứ mãi mãi ghi nhận công sức của nhiều thế hệ tiền bối đã qua.

Dẫu thời gian có làm cho cơ sở vật chất bị hao mòn nhưng tinh thần giáo xứ không bao giờ bị già cỗi. Giáo xứ sẽ tiếp tục viết tiếp lịch sử của mình bằng những nỗ lực của các cá nhân và cộng đoàn, hầu góp phần xây dựng giáo xứ ngày càng thăng tiến về văn hóa và đức tin, trở thành gia sản tốt đẹp truyền lại cho các thế hệ mai sau.

THAM KHẢO THÊM

Nhà thờ Công Giáo tại Việt Nam

Cập Nhật Thông Tin Giờ Lễ Các Nhà Thờ Vũng Tàu Mới Nhất Năm 2023