Giáo xứ Nam Thái, giờ lễ nhà thờ Nam Thái thuộc Giáo phận Sài Gòn

5/5 - (3 bình chọn)

Giờ lễ nhà thờ Nam Thái

– Ngày thường: 5h00 – 17h30

– Chúa nhật: 5h00 – 7h00 – 17h30

Nhà thờ Nam Thái ở đâu?

– Địa chỉ: 168/50 Cách Mạng Tháng 8, phường 5, Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh

– Bổn mạng: Đức Mẹ Lên Trời

– Năm thành lập: 1956 – 1994

– Chánh xứ: Cha Gioan B.Nguyễn Quang Tuyến

– Phó xứ: Cha Anphongso Nguyễn Ngọc Hoàng Anh

>> Xem thêm: Hành Hương Đức Mẹ La Vang 9 ngày 9 đêm

giờ lễ nhà thờ Nam Thái
Cổng vào nhà thờ Nam Thái

Tổng quan nhà thờ Nam Thái

Giáo xứ Nam Thái, chọn Đức Maria Hồn Xác Lên Trời làm Bổn mạng, hiện có khoảng 2.000 giáo dân. Linh mục chánh xứ đương nhiệm là cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến (từ 2018 đến nay). Linh mục phụ tá là cha Anphongsô Nguyễn Hoàng Ngọc Anh (từ 2021).

Ngôi nhà thờ của Giáo xứ Nam Thái tọa lạc tại số 838/1 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, TP.HCM, cách ngã ba Ông Tạ khoảng 30m, mặt tiền nhà thờ cách đường Cách Mạng Tháng Tám khoảng 10 mét.

Giáo xứ Nam Thái được xác định về mặt địa lý như sau:

– phía Tây Bắc giáp giáo xứ Thái Hòa,

– phía Bắc giáp kênh Nhiêu Lộc và giáo xứ Vinh Sơn 3,

– phía Đông Bắc giáp kênh Nhiêu Lộc và giáo xứ Tân Chí Linh,

– phía Đông giáp giáo xứ An Lạc,

– phía Nam giáp giáo xứ Xây Dựng,

– phía Tây Nam giáp đường Cách Mạng Tháng Tám.

Giáo xứ Nam Thái được giới hạn từ số nhà 100 (đầu hẻm 98) đến số nhà 254 (đầu hẻm Trường Mầm Non Phường 5). Cả hai hẻm trên kéo dài xuống tới đường bờ kênh Nhiêu Lộc.

Tháng 10.2005, tiếp nhận chỉ thị của Giáo phận TP. HCM, Giáo xứ Nam Thái chính thức chuyển giao về giáo xứ Xây Dựng: các hộ gia đình bên kia đường Cách Mạng Tháng Tám, phía đối diện thánh đường giáo xứ. Đồng thời, Giáo xứ cũng nhận từ giáo xứ An Lạc: một số hộ gia đình trong hẻm 175 Phạm Văn Hai.

TÌM HIỂU THÊM

Giờ Lễ Nhà Thờ Tân Định Sài Gòn

Ghé 7 Nhà Thờ Ở Bình Châu Hồ Cốc, Nơi Cầu Nguyện Của Con Chiên

giờ lễ nhà thờ Nam Thái
Cung thánh đường – nhà thờ Nam Thái

Lịch sử nhà thờ Nam Thái

1. Thành lập định cư

Vào năm 1954, có nhiều người từ miền Bắc đến sinh sống và lập nghiệp tại khu đất giáo xứ Nam Thái hiện nay, khi ấy là vùng đất trống bỏ hoang, chỉ có một căn biệt thự và một dãy nhà trệt 7 gian sát nhau. Căn biệt thự và dãy nhà này là của vợ chồng một sĩ quan Pháp đã hiến cho Tòa Giám mục Sài Gòn trước khi về nước.

Ngày 16-8-1954, cha giáo Đa Minh Vũ Đức Triêm, cũng là linh mục chánh xứ Cổ Việt Giáo phận Thái Bình, cùng một số con chiên di cư vào Sài Gòn, sang Hố Nai (Biên Hòa) và đến ngã ba Ông Tạ vào trung tuần tháng 9 năm 1954. Cha và các con chiên đã tạm cư tại căn biệt thự nói trên theo sự chấp thuận của Tòa Giám mục.

Sau đó ít lâu, bà con gốc giáo xứ Cổ Gia đã đến đây xin tạm cư ngày càng đông, vì thế cha giáo đã lên Tòa Giám mục xin đất định cư và đã được Tòa Giám mục dành cho 3 mẫu đất ruộng thuộc Sở Hưu dưỡng Chí Hòa quản lý ở khu Tân Việt hiện nay.

Ngày 22. 1.1955, cha giáo Đa Minh dẫn đoàn chiên giáo xứ Cổ Việt lên lập nghiệp tại Tân Việt, và giao khu vực tạm trú này lại cho đồng hương Cổ Gia. Bà con mua lại một số căn nhà của giáo dân gốc Cổ Việt và những vườn rau của đồng bào địa phương để làm nhà và lập trại định cư do ông Vũ Đình Hào làm Trưởng trại và ông Phạm Văn Nhưỡng làm thư ký hành chánh.

2. Hình thành nhà thờ tạm

Đầu năm 1956, cha giáo Đa Minh cùng quý cụ cao niên, các ban ngành họp, quyết định bầu Ban Hành giáo và xin thành lập giáo xứ. Hội nghị đã nhất trí đặt tên cho giáo xứ là Nam Thái với ý nghĩa kết hợp hài hòa: Nam là Nam Định và Thái là Thái Bình.

Chính trong năm 1956, Tòa Giám mục đã chính thức công nhận giáo xứ Nam Thái với linh mục chánh xứ tiên khởi là Cha Batôlômêô Nguyễn Quang Vinh. Ngài cho sửa sang lại căn biệt thự làm nhà nguyện nhưng vì đau yếu, ngài chỉ ở được một thời gian rồi chuyển đi nơi khác dưỡng bệnh.

Từ năm 1957 đến 1960, cha cố Giuse Phạm Thanh Nhân được Tòa Giám mục chỉ định coi sóc giáo xứ Nam Thái.

giờ lễ nhà thờ Nam Thái
Lãnh nhận Hồng ân nhà thờ Nam Thái

Năm 1958, cha cố Giuse cho xây 3 gian cuối áp sát vào nhà nguyện làm thành nhà thờ rộng hơn vào dịp mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi tháng 10 năm 1958 và thành lập các đoàn thể: Dòng Ba Đa Minh, Hiệp hội Thánh Mẫu, Hội Con cái Đức Mẹ, Nghĩa Binh Thánh Thể và Ca đoàn.

Đầu năm 1961, cha chánh xứ xây thêm 4 gian áp vào 3 gian cũ của nhà thờ, hình thành ngôi thánh đường mới của giáo xứ Nam Thái. Ngày 14-6-1967, nhân dịp lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cộng đoàn giáo xứ Nam Thái hân hoan đón mừng linh mục Antôn Trần Văn Bật được bổ nhiệm dẫn dắt đoàn chiên.

Ngày 20-5-1974, giáo xứ vui mừng đón linh mục Phaolô Bùi Văn Phổ được sai đến để cùng cha cố Antôn Trần Văn Bật điều hành giáo xứ.

3. Xây dựng thánh đường mới

Đầu năm 1992, dưới sự điều hành của cha chánh xứ Antôn Trần Văn Bật, Hội đồng Mục vụ giáo xứ tiến hành tái lập các Đoàn thể. Huynh đoàn Đa Minh là Hội đoàn kỳ cựu của giáo xứ được thành lập trước năm 1975 vẫn tiếp tục tồn tại. Tháng 3 và 4/1993, hình thành các đoàn thể : Hội Thánh Tâm, Hội CBMCG, Giới Trẻ, Ban Giáo Lý.

Ngày 13-10-1993 nhân dịp lễ Đức Mẹ Fatima, giáo xứ phát động việc chuẩn bị xây dựng thánh đường mới. Ngày 8-12-1993 nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Giám mục Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đã chủ tế Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường mới.

Ngày 1.1.1995, cộng đoàn giáo xứ hân hoan khánh thành ngôi thánh đường mới.

Vào thời điểm này, cha Phaolô Bùi Văn Phổ đã thay mặt cha cố Antôn Trần Văn Bật cùng với Hội đồng Giáo xứ đến thăm hỏi từng gia đình, đồng thời cho lập Sổ Nhân Danh mới trong toàn xứ. Tổng số nhân danh năm 1995 là 2463.

giờ lễ nhà thờ Nam Thái
Thánh lễ tại nhà thờ Nam Thái – Giáo phận Sài Gòn

Ngày 10.11.2001 cha Phaolô Bùi Văn Phổ chính thức nhận sứ vụ linh mục chánh xứ theo quyết định bổ nhiệm của Tòa Tổng Giám mục TP.HCM. Thời gian này vì tuổi cao sức yếu cha cố Antôn đã làm đơn xin nghỉ hưu tại giáo xứ và đã được Tòa Giám Mục chấp thuận.

Ngày 25-01-2018 cộng đoàn giáo xứ Nam Thái hân hoan mừng bổn mạng cha  Phaolô Bùi Văn Phổ và mừng Kim Khánh Linh mục của ngài. Cũng trong dịp này cha cố Phaolô vì tuổi cao sức yếu đã đi nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa.

Các linh mục phục vụ Giáo xứ

Các linh mục chánh xứ của Nam Thái theo dòng thời gian:

– 1956: Linh mục Batôlômêô Nguyễn Quang Vinh – Chánh xứ tiên khởi

– 1957 – 1960: Linh mục Giuse Phạm Thanh Nhân

– 1960 – 1967: Linh mục Giuse Lai Hữu Chí

– 1967 – 2001: Linh mục Antôn Trần Văn Bật

– 2001 – 2018: Linh Mục Phaolô Bùi Văn Phổ

– 2018 – đương nhiệm: Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến.

Các linh mục phó xứ của Nam Thái theo dòng thời gian:

– 1974 -2001: Linh Mục Phaolô Bùi Văn Phổ

– 2021 – Nay: Linh mục Anphongsô Nguyễn Hoàng Ngọc Anh

Cơ cấu tổ chức của Giáo xứ

1. Ban Thường Vụ

– Phanxicô Xaviê Phạm Đình Huân – Chủ tịch HĐMV

– Giuse Trần Văn Việt – Phó Chủ tịch Nội vụ

– Thomas Phạm Văn Thái – Phó Chủ tịch Ngoại vụ

– Phanxicô Xaviê Phạm Ngọc Thái – Thư ký Hội đồng Mục vụ

– GioaKim Nguyễn Bình – Thủ quỹ Hội đồng Mục vụ

2. Khối hành chính

– Giuse Lê Bá Sơn – Trưởng ban Kinh Tài và Quản lý cơ sở vật chất

– Phêrô Bùi Văn Quang – Phó ban Kinh Tài và Quản lý cơ sở vật chất

giờ lễ nhà thờ Nam Thái
Nhà thờ Nam Thái cử hành thánh lễ

3. Khối hội đoàn

– Maria Phạm Thị Kim Chi – Trưởng Hội Các Bà Mẹ Công giáo

– Giuse Nguyễn Hữu Nam – Trưởng Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm

– Maria Lê Thị Nụ – Trưởng Huynh đoàn Giáo Dân Đa Minh

– Giuse Nguyễn Duy Sinh – Trưởng Ban Giáo lý

– Maria Hoàng Thị Mỹ Dung – Trưởng Hội Legio Mariae

– Phêrô Võ Quốc Danh Thắng – Trưởng Ban Giới trẻ

4. Phụng vụ

– Maria Phạm Thị Sâm – Đoàn Trưởng Ca đoàn Thánh Gia

– Giuse Lê Công Hiệp – Trưởng Ban Thừa Tác Viên Thánh Thể

– Vincentê Phạm Bá Điệt – Trưởng Ca đoàn Đức Mẹ Mân Côi

– Phêrô Đỗ Quý Chung – Trưởng Ca đoàn Têrêsa

– Gioan Baotixita Mai Văn An – Trưởng Ca đoàn Cêcilia

– Đa Minh Trần Đăng Khải  – Trưởng Ban Lễ Sinh

Lời kết

Trải qua 66 năm hình thành và phát triển, giáo xứ Nam Thái đã được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương về mọi mặt, đặc biệt đã sai đến những vị mục tử tốt lành, hết lòng vì đàn chiên, để rồi “hồng ân nối tiếp hồng ân”, cộng đoàn giáo xứ Nam Thái vững bước theo dấu chân Chúa trong ánh vinh quang và sự quan phòng của Người, cùng với sự đỡ nâng và cầu bầu của Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng giáo xứ.

>>>> Gợi ý: Nhà thờ Công Giáo tại Việt Nam