Giờ lễ nhà thờ Nam Dư
– Ngày thường: 5h30 (thứ 3) – 19h30 (thứ 2,4,5,6,7)
– Chúa nhật: 6h30 – 8h30 – 19h00
Nhà thờ Nam Dư ở đâu?
– Địa chỉ: số 30 ngõ 95 phố Nam Dư, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội
– Thành lập năm 1961
– Bổn mạng Thánh Giuse
– Chánh xứ Lm Phero Trần Văn Trí
Xem thêm: Tour Hành Hương Công Giáo tại Việt Nam

Vài nét về Giáo xứ Nam Dư
Giáo xứ Nam Dư, một giáo xứ nằm trong nội đô Hà Nội, năm xưa là một làng quê nằm ở phía Nam ngoại thành Thăng Long, một mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ của vùng châu thổ Sông Hồng.
Trại phong Khuyến Lương
Cách làng Nam Dư 1 km về phía Nam là vùng đất Khuyến Lương nằm bên bờ sông Hồng. Vào cuối thế kỷ XIX chính quyền Pháp đã xây dựng tại khu làng Khuyến Lương một nơi tập chung các bệnh nhân phong. Bấy giờ địa phận Tây Đàng Ngoài do Đức Cha Đông cai quản. Đức cha đã sai cố Căn (Alphongso Cantaloube) tới ở tại Khuyến Lương làm tuyên úy để chăm lo cho các bệnh nhân phong.
Cơ Duyên gặp Chúa giữa các bệnh nhân phong
Vùng đất Nam Dư nằm cách kinh thành Thăng Long 11km về phía Nam. Vào những năm cuối thế kỷ XIX làng Nam Dư gặp cảnh bất an. Những người chiếm ưu thế về quyền hành đã chiếm luôn cả phần đất đai của những người yếu thế. Nhiều gia đình không còn ruộng đất, phải đi làm thuê kiếm sống. Kẻ Dựa đã trở thành cái tên thay thế để gọi dân làng Nam Dư cũng bởi hoàn cảnh khó khăn này.
Cụ Lý Thực bấy giờ thất thế, không còn chức tước. Cụ đã cùng một số người nghèo tới làng Khuyến Lương để gặp cố Căn. Chính nơi đây, ánh sáng Tin Mừng đã chiếu rọi tâm hồn cụ Lý Thực và những người cùng đi. Mọi người đã được cố Căn chỉ bảo đàng lành, dẫn giải giáo lý hôm sớm cho được nhận biết Chúa là Chúa cả trời đất.

Hạt giống Lời Chúa trổ sinh
Cụ Lý Thực và nhóm người nghèo đã trở về làng Nam Dư. Họ sớm tối cầu nguyện với Chúa Nhân Lành cho được yên ủi trong cảnh khó khăn, khuyên dạy con cái trong nhà cho được biết Chúa.
Một ngôi nhà nguyện nho nhỏ lập lá đã được dựng lên để sớm tối mọi người có chỗ thuận tiện để cùng nhau cầu nguyện.
Năm 1915 số người nhận biết Chúa tại làng Nam Dư Thượng đã tăng lên nhiều, nhu cầu cần một ngôi nhà thờ rộng hơn để làm nơi xum họp tế lễ. Cha già Hỏa bấy giờ trông coi giáo họ Nam Dư. Ngài đã cho xây dựng ngôi nhà thờ mới trong thời gian 2 năm mới xong.
Trưởng thành và phát triển
Năm 1961, Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội đã về kinh lý vùng này. Xét thấy giáo xứ Đồng Trì địa bàn rộng lớn nên cần tách ra cho dễ bề coi sóc.
Trong các giáo họ quanh đây, thấy có Nam Dư là đông đúc giáo hữu hơn cả nên ngài đã chọn Nam Dư làm xứ chính. Khuyến Lương, Yên Lương, Yên Duyên là ba giáo họ trực thuộc giáo xứ Nam Dư. Ngày 8 tháng 12 năm 1961 Đức Tổng Giám mục Giuse Maria đã chính thức ra sắc lệnh thành lập giáo xứ Nam Dư. Các giáo họ Khuyến Lương, Yên Duyên, Yên Lương trực thuộc giáo xứ Nam Dư.
Hiện nay toàn giáo xứ Nam Dư có 1472 tín hữu. Trong đó giáo họ Yên Duyên 295 tín hữu, giáo họ Yên Lương 128 tín hữu, giáo họ Khuyến Lương 119 tín hữu, và chính xứ Nam Dư có 930 tín hữu. Các hội đoàn gồm có: Ca Đoàn, hội Legio Mariae, hội Thánh Giuse, hội Cầu nguyện Áo Đức Bà, hội Hiền Mẫu, hội Tê-rê-sa, hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hội Lòng Thương Xót, hội Kèn đồng, và hội Thiếu nhi Thánh Thể.
Các ngày trong tuần đều có lễ ban chiều. Ngày Chúa nhật có tổng cộng 6 Thánh Lễ cho cộng đoàn, trong đó tại nhà thờ chính xứ có một Thánh lễ chiều thứ Bảy và ba Thánh Lễ trong ngày Chúa Nhật. Với thực trạng di dân hiện nay, trong địa bàn của Giáo xứ có rất đông anh chị em từ ngoài giáo xứ, giáo phận tới cư ngụ. Chính vì thế mỗi Thánh lễ luôn có đông tín hữu tham dự. đặc biệt ngày Chúa Nhật, trong nhà thờ không đủ chỗ, nhiều anh chị em tín hữu phải ngồi ngoài sân.

Việc coi sóc các linh hồn
Lúc những người đầu tiên đón nhận đức tin, Nam Dư thuộc về địa bàn giáo xứ Kẻ Sét. Nhưng tại Khuyến Lương có cha tuyên úy trại phong nên các cha từ Khuyến Lương tới Nam Dư chăm sóc. Sau khi trại phong Khuyến Lương chuyển đi và giáo xứ Đồng Trì được thành lập thì Nam Dư thuộc về giáo xứ Đồng Trì.
Mặc dù đã tách ra khỏi xứ Đồng Trì và được thành lập giáo xứ năm 1961, nhưng gặp thời buổi khó khăn nên việc coi sóc Giáo xứ vẫn do cha xứ của Giáo xứ Đồng Trì quản nhiệm. Việc cử hành các bí tích được các cha từ xứ Đồng Trì hoặc từ Tòa Tổng Giám mục tới cử hành.
Có thể kể ra những cha gần đây về coi sóc giáo xứ: cha Gioan Đỗ Tông từ năm 1964-1979; cha André Trần Thanh Lãng từ năm 1979-1987; cha Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh từ năm 1987 –1995; cha Phê-rô Bùi Ngọc Tuấn từ năm 1995-2007; Cha Giuse Nguyễn Văn Tuyền từ năm 2007-2012; Cha Phao-lô Nguyễn Trung Thiên từ năm 2012-2015; và hiện nay là cha Giuse Vũ Công Viện, Giám quản giáo xứ.
Ngôi thánh đường hiện nay
Suốt dòng lịch sử với bao khó khăn, ngôi nhà thờ luôn là mái ấm cho mọi tín hữu trong Giáo xứ. Thấm thoát, ngôi nhà thờ thứ hai được xây dựng đã ngót trăm tuổi. Xét thấy tình trạng xuống cấp trầm trọng của ngôi nhà thờ, cha Phê-rô Bùi Ngọc Tuấn đã cùng với mọi thành phần trong giáo xứ lên kế hoạch cho việc xây dựng ngôi nhà thờ mới. Năm 2003 toàn giáo xứ bắt đầu quyên góp gây quỹ cho việc xây dựng nhà thờ.
Việc gây quỹ trong Giáo xứ đạt nhiều thành quả hơn dưới thời Cha Giuse Nguyễn Văn Tuyền coi sóc. Chính ngài đã xúc tiến quy hoạch tổng thể khuôn viên nhà thờ cũng như mời gọi lên bản thiết kế cho nhà thờ mới. Sau 10 năm chuẩn bị mọi mặt, cha Phao-lô Nguyễn Trung Thiên đã quyết định cùng Giáo xứ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới vào năm 2013.
Ngày 15/8/2013 Cha Phao-lô Nguyễn Trung Thiên làm phép mặt bằng và khởi công xây dựng nhà thờ.
Ngày 28/4/2014, giáo xứ Nam Dư đã hân hoan chào đón Đức Tổng Giám Mục Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, quí cha, quí sơ và quí khách đại biểu về hiệp dâng thánh lễ đặt viên đá góc nhà thờ.
Ngày 10/7/2014 đổ bê tông mái thượng nhà thờ.
Với nỗ lực của mọi thành phần trong giáo xứ và đồng hương Nam Dư xa gần, nhờ sự thúc giục của các Đấng, sự trợ giúp một phần kinh tế từ hiệp hội KIN tại nước Đức, ngôi nhà thờ đã dần hình thành.
Ngày 30 – 5- 2015, Đức Hồng Y Phê-rô đã cử cha Giuse Vũ Công Viện, với tư cách là Quản xứ, về ở trực tiếp tại giáo xứ. Cha Giuse đã cùng Giáo xứ nỗ lực hoàn thiện công trình.
Cho đến nay, ngôi thánh đường uy nghiêm đã được hoàn thành. Nhà thờ có chiều dài 46m, chiều rộng 16m, tổng cộng 700m2, chiều cao mái hạ 9m, chiều cao mái thượng 16m, chiều cao ngọn tháp 36m.
Ngày 27 tháng 10 năm 2016, Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội về cung hiến thánh đường và cùng toàn giáo xứ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã đổ xuống nơi đây.

Lưu chú
– Dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), sở Yên Duyên là một trong 43 Sở đồn điền được thành lập. Khi đó sở Yên Duyên thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam. Trong danh sách các giáo xứ thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài năm 1846 có giáo xứ Yên Duyên và giáo xứ Kẻ Bạc.
Hai giáo xứ này nằm dọc bờ Sông Hồng, kéo dài từ Sơn Tây tới Thường Tín. Giáo xứ Yên Duyên có địa danh phía nam là Thường Tín, phía Đông là Sông Hồng, phía Bắc là Hồ Tây, phía Tây là Hà Đông. Đến năm 1902 xứ Yên Duyên được tách ra thành các xứ Kẻ Sét, Hà Nội, và Phùng Khoang. Giáo xứ Kẻ Sét nằm dọc Sông Hồng từ Thường Tín tới hết Thanh Trì về phía Bắc. Nam Dư thuộc địa bàn xứ Kẻ Sét.
– Trại phong Khuyến Lương, thường có tên là trại Tế Trương, chuyển về Bắc Ninh năm 1928. Khi đó có khoảng 600 bệnh nhân cũng được di chuyển về trại phong tại Bắc Ninh do các cha dòng Đaminh coi sóc.
– Ngày 21/11/2020 Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên đã nâng giáo họ Yên Duyên lên hàng giáo xứ với giáo họ trực thuộc là Khuyến Lương. Cha Giuse Nguyễn Ngọc Hinh được bổ nhiệm làm cha xứ tiên khởi của giáo xứ Yên Duyên.
– Ngày 09/12/2020, giáo xứ Nam Dư vui mừng chào đón linh mục tân chính xứ Phêrô Trần Văn Trí.

Lời kết
Xin Chúa Thánh Thần luôn luôn ở cùng các em, tiếp thêm sức mạnh để các em trưởng thành hơn trong gia đình, ngoài xã hội, và vững mạnh trong đời sống thiêng liêng.
Tham khảo: Giờ Lễ Nhà Thờ Song Vĩnh – Nhà Thờ Lối Kiến Trúc Châu Âu
Tour Phan Thiết khuyến mãi 2 ngày 1 đêm 2022( Resort 4* + Team Building)