Giờ lễ nhà thờ Kiên Long
– Ngày thường: 5h00
– Chúa nhật: 5h00 – 8h00 – 17h00
Nhà thờ Kiên Long ở đâu?
– Địa chỉ: Ấp Bình Long, Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh
– Bổn mạng: Thánh cả Giuse
– Chánh xứ Lm Gioan Baotixita Nguyễn Hiếu Thảo
Gợi ý: Tour Hành Hương Công Giáo tại Việt Nam

Lịch sử nhà thờ Kiên Long
Hiệp định Gieneve năm 1954 đã chia nước Việt Nam hình chữ S thành hai phần, con sông Bến Hải vô tình thành vạch ngăn cách hai bên, rất nhiều người từ miền Bắc chạy vào miền Nam.
Trên dưới 20.000 người được mấy chiếc tàu cập bến cảng Vũng Tàu và được một đoàn xe vận tải đón chở thẳng về Tây Ninh, tập trung tại khu Trảng Lớn, thuộc vùng thánh địa Cao Đài giáo.
Sau những ngày tạm cư bất ổn, các cha thuộc các Giáo phận Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Hóa thấy phải ổn định cho dân. Vì thế, đầu năm 1955, các xứ được thành lập.

Đoàn dân dưới quyền lãnh đạo của các cha dòng Đaminh kéo lên phía bờ sông Vàm Cỏ Đông và xứ Cao Xá mọc lên. Tiếp đến là xứ Phú Ninh do các cha Hưng Hóa thiết lập. Vào tháng 03/1955, tại khu Trảng Lớn, số dân còn lại đã chia thành hai xứ: xứ Phong Cốc do các cha Bắc Ninh, và xứ Kiên Long được các cha Hưng Hóa lãnh đạo.
Cha Giuse Cao Tiến Hạng là cha xứ đầu tiên và Cha Simon Đinh Hưng Lợi làm phụ tá. Kiên Long ra đời như thế đó. Cái tên của nó cũng đặc biệt: là một xứ đặc biệt phức hợp: Bùi Chu, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Hải Phòng. Có hai khối lớn nhất là Kiên Chính và Thịnh Long thuộc Bùi Chu, chữ Kiên Long là ghép bởi hai từ đầu và cuối của hai xứ trên.

Vị trí
Kiên Long nằm trong khu Trảng Lớn, cách khoảng 4 km về phía Tây Thị xã Tây Ninh, trên con đường Tây Ninh đi Bến Sỏi. Đông giáp xứ Phong Cốc, Tây giáp ấp Suối Muồn, Bắc giáp căn cứ quân sự Trảng Lớn, Nam là khu đất trống (trước kia là vườn cao su Nguyễn Đình Quát). Có chiều dài chạy theo con lộ chừng 1,5 km và mở rộng về hướng Bắc giáp khu quân sự chừng 500 m. Diện tích toàn thể chừng 100 ha.
Dân số
Giáo xứ Kiên Long thuộc Ấp Bình Long. Dân số Bình Long khoảng 3.000 người. Trong đó, giáo dân có khoảng 1.300 người bao gồm 190 hộ gia đình. Giáo xứ Kiên Long chia thành 4 giáo khu: Khu Giuse I, gồm dân gốc Bắc Ninh; Khu Giuse II, gồm dân gốc Hưng Hóa; Khu Phêrô, gồm dân làm nghề đánh cá trên Sông Vàm Cỏ Đông gốc Bắc Ninh và Khu Vinh Sơn, gồm dân giáo dân gốc Hải Phòng, Bùi Chu và dân địa phương.
Văn hóa
Vì nghèo nên không có điều kiện cho con em theo học cao, hơn nữa, ý thức về việc nâng cao trình độ học vấn cho con em hầu như không có trong suy nghĩ của bà con giáo dân ở đây. Vấn đề ơn gọi đi tu vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Tôn giáo và cơ sở
Ngay từ đầu khai lập, có Cha Giuse Cao Tiến Hạng coi sóc. Năm 1959, Cha Giuse qua đời.
Đầu năm 1960, Cha Giuse Bạch Xuân Tràng về nhận xứ. Đến năm 1965, Cha Giuse qua đời qua đời. Thời gian này Kiên Long không có cha xứ, Cha già Gioan B. Nguyễn Ngọc Quý, và sau đó là Cha Phêrô Nguyễn Đình Chế, Cha xứ Phong Cốc, tạm quản Giáo xứ.
Năm 1970, Cha Gioan B. Đinh Thế Hiền về nhận xứ.
Cuối năm 1972, Cha Gioan B. được Đức Cha Giuse sai đi coi xứ Lễ Trang. Vào ngày 05/06/1973, Cha Augustinô Hà Minh Nghĩa về nhận xứ cho đến ngày hôm nay. Năm 2002, Cha Hilario được sai về phó xứ.
Ngôi nhà thờ đầu tiên được dựng bằng vật liệu nhẹ như ván, gỗ, gạch Cilvaram. Theo thời gian, ngôi nhà bị suy sụp. Vào tháng 10/1973, Giáo xứ đã khởi công xây dựng nhà thờ mới và Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên về làm phép ngôi Thánh đường mới vào ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi năm 1974. Trong khuôn viên có nhà xứ, nhà sinh hoạt và thánh đài kính Thánh Gia.
Kinh tế
Thời gian trước, Kiên Long là một giáo xứ nhỏ và nghèo nhất vùng, với số giáo dân khoảng 500 người. Đây là số người bám đất ở lại, trong khi đó, hầu hết theo các cha Hưng Hóa đi lên Buôn Mê Thuột, Long Khánh và Rạch Giá sinh sống. Hiện nay, chỉ có nghề trồng rau trên những thửa đất vườn nhỏ bé, kiếm ăn. Ngày nay, họ cố gắng hết sức mình để vươn lê, và Kiên Long đã có một bộ mặt tươi sáng hơn.

Lời kết
Với ơn Chúa và nhờ lời cầu bầu của Thánh Cả Giuse, thánh bổn mạng Giáo xứ, Kiên Long đã ngày càng khẳng định mình trong lòng Giáo hạt Tây Ninh và Giáo phận Phú Cường.
Tham khảo: Thăm Hang Đức Mẹ Côn Đảo Trong Rừng Rậm Hoang Sơ