Giờ lễ nhà thờ Hòa Hưng
– Ngày thường: 5h00 – 17h30
– Chúa nhật: 5h00 – 6h15 – 7h45 – 17h15 – 19h00
Nhà thờ Hòa Hưng ở đâu?
– Địa chỉ: 104 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TPHCM
– Bổn mạng: Mẹ Thiên Chúa
– Chánh xứ: Cha Gioan B.Vũ Mạnh Hùng
– Phó xứ: Cha Phanxico Xavie Chu Gia Nghĩa
>>> Xem thêm: Tour Hành Hương Đức Mẹ Tà Pao – Đức Mẹ Núi Cúi

Nguồn gốc về Giáo xứ Hòa Hưng
Vào những năm từ 1940-1943, có một số người từ miền bắc vào miền nam sinh sống, thì có một nhóm người đến định cư ở hẻm 19 đường Verdun (nay là hẻm 521 đường CMT8, Q.10). Con hẻm này nằm song song với đường Tô Hiến Thành, cách đường Tô Hiến Thành độ 150m (đường Tô Hiến Thành lúc đó là đường Milice).
Những người này hầu hết làm nghề xây dựng, họ là thợ hồ, thợ sắt, thợ cốt pha và lao động tổng quát, họ ở đây là gần nơi họ làm, vì khi ấy công trình khám Chí Hoà và công trình trường tiểu học Chí Hoà đang xây dựng.
Trong nhóm người này, có khoảng trên dưới 40 gia đình là người công giáo. Những người công giáo này, nằm ở giữa các nhà thờ: Chí Hoà, Huyện Sĩ và Tân Định, khi ấy chưa có nhà thờ Chúa Cứu Thế, chỉ có Dòng Chúa Cứu Thế mà thôi.
Dòng Chúa Cứu Thế rất hạn chế giáo dân vào xem lễ, nhưng dậy giáo lý cho trẻ em giáo lý và xưng tội rước lễ lần đầu. vì vậy những giáo dân này phải đi lễ ở nhà thờ Chí Hoà, cũng khá xa vì toàn đi bộ, những người khá một chút thì đi xe “thổ mộ” (xe ngựa) trong nhóm người này chưa có ai được chiếc xe đạp.
Từ chỗ ở của những giáo dân này đến nhà thờ Chí Hoà khoảng 2 km, đây là giáp ranh giữa Đô Thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định, dân cư thưa thớt. Vào mùa mưa, sáng đi lễ phải qua nghĩa địa Đô Thành, nổi tiếng là nhiều ma (nay là công viên Lê Thị Riêng) và con đường từ đường Verdun vào nhà thờ Chí Hoà là đường đất lầy lội.

Trong một thời gian dài như vậy. Những giáo dân này bàn với nhau là xin cha làm cho nơi họ ở một cái nhà thờ nhỏ, và họ đã cử ông Ngôn làm đại diện đến nhà thờ Chí Hoà gặp cha Thiên để trình lên nguyện vọng của họ. may mắn là được cha Thiên đồng ý, bảo về ghi tên các gia đình có đạo đưa cho cha.
Hơn hai tháng sau, cha Thiên về Hoà Hưng tìm chỗ để cất nhà thờ. Sau nhiều lần đi lại cha đã chọn được chỗ là nơi nhà thờ Hoà Hưng hiện nay. Nơi này khi ấy là nhà của bà Ơn, hai gian nhà lá, có chái hai bên, xung quanh nhà đất rất rộng. Khi cha đến hỏi mua nhà để có chỗ làm nhà thờ thì bà bằng lòng ngay và rất mừng vì bà là gia đình có đạo. Sau đó cha mua thêm một cái nhà nữa, nhà của bà người Hoa bán “tạp khô” (muối, nước mắm, nước tương, hành, tỏi, bánh kẹo …)
Cha cho sửa cái nhà của bà Ơn lại, tạm làm nhà nguyện và một tháng cha mới về làm lễ một lần.
Khoảng 5 tháng sau, cha cho phá nhà này ra và dựng lên đây một nhà thờ nhỏ, song song nhà thờ cha làm 4 gian nhà lá, vây lại 1 gian để làm chỗ ở, 3 gian còn lại làm trường học và dậy giáo lý. Và 4 thầy dòng về ở, chừng 4 tháng sau các thày này đi, và các dì phước về và cha Truyền về. Cha làm nhà cha sở.
Đào móng, xây cột, vách 3 gian nhà, cột xây rất to, cột và vách đều cao 2,30 , gác đà lên đầu cột, bỏ rầm qua và đóng ván sàn, trên sàn ván này, dựng lên 1 cái nhà cột gỗ, vách ván, 3 gian ở dưới, 1 làm nhà để xe, 1 để 1 bàn bóng bàn, phía sau làm nhà kho, gian giữa làm nơi sinh hoạt và làm các thứ lặt vặt, mùa chay thì thắt lá …
Từ ngày cha Truyền về, nhà thờ ngày nào cũng có lễ, các giáo dân từ thành Pháo Thủ trở lại đều đi lễ nhà thờ Hoà Hưng (trại quân đội sau câu lạc bộ Lan Anh). Nhà thờ lúc này đã có nhiều giáo dân, cha Truyền về có đem theo một người con nuôi, tên là Rạng, khi ấy được 16 tuổi, chúng tôi gọi là ông Từ.
Anh Rạng, lo việc nhà cha, dọn dẹp cung thánh , giật chuông, thắp nến bàn thờ, dọn lễ mồ và các lặt vặt khác.
Dì Ta Rê, lo việc áo lễ cha, áo giúp lễ, khăn bàn thờ, trang trí cung thánh.
Dì Ba, đánh đàn, dậy đồng nhi hát.
Bà Đội Lễ, hướng dẫn kinh (chồng bà cấp bậc trung sĩ trong thành kèn đường Milice (THT) trung sĩ khi ấy gọi là ông đội)
Giúp lễ, anh Trí, Huệ (con bà Đội Lễ)
Các ông Biện:
Ông Biện Ngôn, ở hẻm 19 đường Verdun. Người đã đại diện các giáo dân đến gặp cha Thiên để xin cha làm một nhà thờ ở Hoà Hưng.
Ông trùm Nguyện, nhà ở bên hông nhà thờ, khi ở miền bắc ông đã làm ông trùm (ở họ đạo) vào miền nam, mọi người đều gọi là ông Trùm.
Ông Biện Vinh, ở hẻm vào chùa Bửu Đa hiện nay.
Ông Biện Kim (ông Huỳnh Kim Nên) ở đường khám lớn (đường Hoà Hưng hiện nay).
Ông Biện Ách, ở thành Pháo Thủ (trại quân đội sau câu lạc bộ Lan Anh), ông này cấp bậc thượng sĩ, lúc ấy gọi là ông Ách.
Ông Biện Giacôbê, ở hẻm gần rạp hát Thanh Vân.
Bà Ba Chích là trưởng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo.
Ban động nhi hát cũng là đoàn Con Đức Mẹ.
Anh Tiền là trưởng đoàn con Thánh Giuse.
Cha kêu gọi giáo dân góp tiền mua cái nghĩa địa, khi chết được chôn ở đây không phải mất tiền mua chỗ nằm nữa.
Cha Thiên mua đất và xây nhà thờ Hoà Hưng.
Cha Truyền là cha sở đầu tiên của giáo xứ Hoà Hưng.

Lần đầu tiên nhà thờ Hoà Hưng được đón Đức Cha Hiền về làm phép thêm sức cho thiếu nhi. Hôm ấy, giáo dân đi lễ rất đông, quần áo rất đẹp, nhà thờ trang trí cờ và băng rôn chào mừng Đức Cha . bên kia đường Tô Hiến Thành, đối diện nhà thờ, khi ấy là bãi đất trống, giáo dân dựng lên đây một cây “niêu” rất cao để chào mừng Đức Cha.
Lần thứ hai nhà thờ Hoà Hưng được đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh. Ba ngày trước khi Đức Khâm Sứ về. Cha Truyền viết một bức thơ đưa cho ông Trùm Nguyên bảo cầm đến chùa Khánh Hưng đưa cho ông Sư trưởng, mời ông ba ngày nữa, sáng sớm đến nhà thờ Hoà Hưng để cùng với cha đi đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh. Ông sư trưởng đồng ý và hỏi là ngày ấy, ông có được mặc áo cà sa và che lọng không? Cha Truyền trả lời là “được”.
Ngày Đức Khâm Sứ về, ông sư trưởng và mấy người nữa đến nhà thờ Hoà Hưng từ sáng sớm và sau đó cùng với cha Truyền đi đón Đức Khâm Sứ. Mọi người đều ngạc nhiên và thích thú về việc làm của cha Truyền.
Bão năm Thìn (1952), trường học bằng lá của nhà thờ bị sập 2 gian, may là gian các Dì ở không sao. Cha Truyền cho phá nhà thờ nhỏ ra và thay vào đó là một nhà thờ khác lớn hơn và đẹp hơn.
Trên đây là diễn tiến từ trước khi có nhà thờ Hoà Hưng đến năm 1953. Tiếc là tôi không nhớ được những mốc thời gian đáng nhớ, như ngày cha Thiên khởi công xây nhà thờ, ngày Đức Cha Hiền về nhà thờ Hoà Hưng, ngày Đức Khâm Sứ về nhà thờ, ngày cha Truyền cho làm lại nhà thờ Hoà Hưng. Mong được quý vị nào biết nhiều hơn, nhớ dai hơn vui lòng bổ xung cho.
Họ Hoà Hưng nguyên thủy là họ lẻ của Gx. Chí Hoà, được cha Giuse Phạm Văn Thiên (sau này là Giám mục Phú Cường) thành lập vào năm 1946 với khoảng 50 gia đình và 300 giáo dân cùng một nhà nguyện nhỏ thô sơ (thế hệ I) trên đường Milice Q.3, nay là 104 Tô Hiến Thành P.15 Q.10 TP.HCM.
– Năm 1949, nhà thờ được cha Giuse Thiên cất bằng vật liệu nhẹ (II), bên cạnh có trường Mẫu giáo.
– Năm 1951-1952 trở thành họ nhánh của họ Chợ Đũi.
– Ngày 24.08.1952 Hoà Hưng trở thành Giáo Xứ với Cha Sở đầu tiên là cha Phaolô Nguyễn Văn Truyền.
– Nhà thờ kiên cố được xây năm 1952-1953 do cha Phaolô Truyền (III), hệ thống khu xóm được hình thành, mở nghĩa trang ở đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt).
– Tháng 7/1963 cha Bênađô Phạm Văn Quy được cử làm Chánh Xứ Hoà Hưng : quan tâm đến giáo dục (xây trường Trung Tiểu Học Thánh Tâm), học hỏi Lời Chúa, mua nghĩa trang ở Bình Hưng Hoà.
– Ngày 6/3/1984 cha Giuse Phạm Bá Lãm lên chức Chánh Xứ : ổn định Giáo Xứ, củng cố và phát triển các đoàn thể, mở rộng khuôn viên, xây dựng các công trình.
– Thánh đường rộng lớn được xây dựng 1990-1992 (IV), do cha Giuse Lãm, được ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình khánh thành và được ĐGM Emmanuel Lê Phong Thuận cung hiến ngày 13/5/1992.
– Hoà Hưng nhận Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa làm Bổn Mạng : mừng vào ngày 1/1, chầu lượt vào Chúa Nhật III Thường niên (trước Tết khoảng 2 tuần).
Với Gx. Chí Hoà, Hoà Hưng là con đầu lòng, nhưng với các Gx. khác, Hoà Hưng là mẹ của Gx. An Phú (1962), Gx. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (1963), Gx. Tống Viết Bường (1995)…HH. từ 300 giáo hữu “sơ khai” nay lên gần 9.000 giáo dân, không phải là toàn tòng mà là một Gx. đa phương, gồm giáo dân địa phương, giáo dân nhập cư thập niên 1940, nhập cư 1954 (chiếm đa số), nhập cư 1975 và giáo dân từ miền Trung vào. Tất cả đều sống hoà đồng với nhau : kinh đọc và tập tục đều theo địa phương (có cải tiến cho phù hợp).
Xuất thân từ Hoà Hưng có 25 Linh mục, 20 Tu sĩ nam nữ, độc đáo là có đến 4 cặp anh em làm Linh mục (cha Trần Văn Thụy và cha Trần Mạnh Hùng; cha Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Tâm; cha Trịnh Tuấn Hoàng và cha Trịnh Quốc Thái; cha Trần Quang Trí và cha Trần Quang Tuệ).
Phải kể thêm Đan Viện Phụ Ephrem Trịnh Văn Đức (Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Đơn Dương). Năm thánh có thêm Tân LM. G.B. Lê Quốc Kiệt thụ phong 19/12/2009, thày Nguyễn Khánh Hà thuộc Dòng Đồng Công, chịu chức Phó tế 10/5… Ngoài ra còn khoảng 10 dự tu do cha Phụ tá hướng dẫn.
Các dòng tu tại Hoà Hưng : CĐ. Đức Mẹ Người Nghèo, CĐ. MTG Gò Vấp (3 trợ úy TNTT, 2 lo Phòng Áo, 10 thừa tác viên cho Rước Lễ), CĐ. MTG Phan Thiết, CĐ. Con Đức Mẹ Phù Hộ (3 chị điều hành Lưu Xá Sinh Viên), Tu Hội Ánh Sáng Phúc Âm, Chi Dòng Máu Châu Báu Chúa Kitô…
Gx. HH tổ chức theo hàng dọc có HĐMVGX/HH với 44 thành viên (có Ban Thường Vụ : Chủ Tịch, 2 Phó CT, Thư ký, Thủ Quỹ), 1 họ lẻ, 11 khu và các xóm. Mỗi khu có Ban Chấp hành với 3 thành viên (1 Trưởng, 1 Phó và 1 Thư ký kiêm Thủ quỹ). Theo hàng ngang có các đoàn thể và ban ngành.
Các Hội Đoàn gần như đầy đủ : Thiếu Nhi Thánh Thể (1.000 em với 90 huynh trưởng), Các Mẹ Công Giáo (190 hội viên), Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm (150), Legio Mariae (100, có đến 7 Praesidia), Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh (75), Con Đức Mẹ (35), Thánh Sinh Công (16), Giới trẻ HH gồm các hạt nhân là các đoàn thể trẻ, vẫn duy trì được Lễ Giới Trẻ vào tối thứ bảy.
Các Ca đoàn thật phong phú với 10 đơn vị (CĐ HH, CĐ khối 1-2, CĐ khối 3, CĐ khối 4, CĐ Thánh Tâm, CĐ CBM, CĐ Con ĐM, CĐ Legio, CĐ TNTT, CĐ Cộng Đồng. Độc đáo nhất vẫn là CĐ Cộng Đồng gồm quý ông bà lớn tuổi (nên được gọi là CĐ Yamaha) hát thường xuyên các lễ buổi sáng, các lễ an táng, các lễ tại gia…

Ơn gọi và Văn hóa tại Giáo xứ Hòa Hưng
Về ơn gọi: một số bạn thiện chí được cha Phụ tá hướng dẫn. Khá đông Linh mục, Tu sĩ xuất thân từ giáo xứ Hoà Hưng, có đến 5 cặp anh em làm Linh mục. Năm nay giáo xứ có thêm Tân Linh Mục G.B. Lê Quốc Kiệt, chịu chức ngày 19.12.2009 và đang phục vụ ở giáo xứ Gia Định.
Về văn hoá: giáo xứ Hòa Hưng hãnh diện vì có một Lưu Xá Sinh Viên ngay cánh trái nhà thờ, với 166 nữ sinh viên, dưới sự chăm sóc chu đáo của 3 nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.
Giáo xứ Hoà Hưng đất không rộng, thiếu tiện nghi, nên luôn luôn phải lo xây dựng và phát triển. Hầu như mỗi năm thực hiện một công trình xây dựng, mỗi năm phát triển sinh hoạt hội đoàn. Giáo dân Hoà Hưng không giầu nhưng có lòng yêu thương nhau trong việc cộng tác với các vị chủ chăn và các tu sĩ.

Lời kết
Ngài cầu chúc tất cả anh chị em giáo dân cũng như những người không cùng niềm tin, luôn được bình an vui tươi của Chúa, để trong cuộc đời, biết tìm kiếm điều thiện, sống vui tươi, an hòa với nhau. Ngài nhắn nhủ: dù trong nỗi nhọc nhằn của mình hay giữa sự lọc lừa gian dối của con người trong thế giới này.
Hãy tin rằng: luôn có một Đấng trên cao thấu hiểu, cảm thông và còn có tấm lòng yêu thương của những người chung quanh. Ngài mong ước tất cả mọi người đều có một trái tim biết yêu thương, biết rung cảm trước nỗi khổ đau của anh em đồng loại.
THAM KHẢO THÊM