Giờ lễ nhà thờ Cửa Bắc
– Ngày thường: 19h00
– Thứ 7: 5h30 – 19h00
– Chúa nhật: 6h30 – 8h30 – 10h30 (tiếng anh) – 19h00
Nhà thờ Cửa Bắc ở đâu?
– Địa chỉ: 56 Phan Đình Phùng, Quán Thành, Ba Đình, Hà Nội
– Bổn mạng: Đức Mẹ Hà Nội
– Thành lập năm 1861
– Chánh xứ Lm Phaolo Nguyễn Trung Thiên
Xem thêm: Tour Hành Hương Công Giáo Việt Nam

Tổng quan nhà thờ Cửa Bắc
Nhà thờ Cửa Bắc được xây dựng từ 1925 -1930, dưới thời Đức Cha Pierre Marie Gendreau (Đông) cai quản Giáo Phận, Cha Joseph-Antoine Dépaulis (Cố Hương) coi sóc giáo xứ. Nhà thờ được tọa lạc trên khoảnh đất trải dài theo phố Phan Đình Phùng và góc phố Nguyễn Biểu, cạnh cửa bắc thành Thăng Long nên dân gian cũng quen gọi là nhà thờ Cửa Bắc.
Thuở ban đầu, nhà thờ Cửa Bắc dự định được mang thánh hiệu là Giáo Đường kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Nhưng vì khi đó các Đấng Tử vì đạo tại Việt nam mới chỉ được phong chân phước nên Tòa Thánh yêu cầu đổi lại tên là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.
Nhà thờ Cửa Bắc được xây dựng như một sự tri ân, nhắc nhớ tới sáu vị chân phước đã được phúc tử vì đạo tại Hà Nội, đặc biệt là cha Théophane Vénard (Thánh Ven), chịu tử đạo ngoài cổng thành Phía Bắc (1861).
Về mặt kiến trúc, nhà thờ gồm một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song theo hai phía, được chia tương đối thành một không gian đón tiếp nhỏ và một không gian long trọng dành cho việc cử hành thánh lễ, quen gọi là cung thánh.
Giữa hai khu vực này có một không gian chuyển tiếp lớn phía dưới mái vòm, bên phải có một không gian lớn đặt các bàn thờ kính Chúa và các thánh, bên trái là phòng thánh, quen gọi là nhà áo. Không gian nội thất được cấu tạo và trang trí hoàn toàn theo thiết kế nhà thờ châu Âu.

Kiến trúc sư người Pháp, Ernest Hébrard, đã tạo ra một không gian kiến trúc phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính. Điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét đặc biệt so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo theo hình thức đăng đối nghiêm cẩn mà người Pháp thường đã xây dựng ở Việt Nam.
Có người đã cho rằng đây là sáng tạo đặc biệt của Hébrard nhằm tạo sự phù hợp với cảnh quan khu vực, nhưng thực chất điều này chỉ là sự khai thác một cách khéo léo nguyên tắc tổ hợp nhà thờ thời Phục Hưng. Chính nhờ vậy mà nhà thờ Cửa Bắc, ngoài gác chuông như một điểm nhấn, còn có một mái vòm ở khu vực trung tâm.
Hệ thống mái ngói được kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ, khiến cho ta thấy một cảnh quan quen thuộc như đã từng bắt gặp ở đâu đó trong những ngôi đình, ngôi chùa truyền thống ở các làng quê Việt Nam.
Hệ thống cửa sổ, cửa lấy ánh sáng và thông gió đều được xử lý che nắng và chống mưa hắt bằng mái Thái, ngoại trừ các cửa trang trí và lấy ánh sáng lớn được lắp kính cản quang. Việc tận dụng tối đa hệ thống cây xanh cũng làm cảnh quan thêm gần gũi, thân thiện với thiên nhiên.
Sự kết hợp các yếu tố kiến trúc truyền thống phương Đông với những hình thức trang trí nhà thờ Công giáo truyền thống cùng với sự hài hòa của cảnh quan thiên nhiên xung quanh đã tạo nên ấn tượng đẹp về một công trình Thiên Chúa Giáo. Chính vì vậy mà nhà thờ Cửa Bắc vẫn luôn được đánh giá là điển hình cho phong cách kiến trúc kết hợp châu Âu và Việt Nam.
Đã gần một thế kỷ trôi qua, dù đã qua vài lần tu sửa nhưng đến nay nhà thờ Cửa Bắc vẫn còn giữ được nét cổ kính, nguyên sơ.

Vì sao nhà thờ Cửa Bắc có tên “Nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội”
Năm 1950, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê làm Đại Diện Tông Tòa coi sóc địa phận Hà nội. Ngay sau khi nhận chức, người đã dâng địa phận Hà nội cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ngày 22 tháng 8 năm 1950.
Năm 1954 sau hiệp định Genève, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc. Khoảng 100 linh mục, và hầu hết các tu sĩ, chủng sinh và trên 60 ngàn giáo dân của Giáo Phận Hà Nội phải di cư vào Nam.
Năm 1959, đức khâm sứ Dooley và các cha thừa sai bị buộc phải rời khỏi Hà Nội. Người Công giáo ngày càng bị cấm cách bách hại. Giáo Hội bị sách nhiễu tư bề…, và cũng từ đây, không còn sự hiện diện thường xuyên của Đức đại diện Toà Thánh (khâm sứ) tại Miền Bắc Việt Nam nữa.
Trong hoàn cảnh cộng đoàn giáo hữu Thủ Đô bị đe dọa, đức tin bị bóp nghẹt, bị lung lay… Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã xin Tòa Thánh chuẩn nhận cho việc nhận Đức Mẹ là quan thầy thành phố Hà Nội. Sau khi được Tòa Thánh chuẩn nhận, người đã lấy lễ Đức Mẹ Thăm Viếng làm quan thầy thành phố Hà Nội và dạy mừng vào ngày 02 tháng 7, nhằm đúng ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng (theo niên lịch Phụng vụ thời đó).

Ngày 02 tháng 7 năm 1627 cũng chính là ngày cha Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) đặt chân đến thành Thăng Long để rao giảng Tin Mừng. Ngài xác tín chính Đức Mẹ đã đưa ngài tới vùng đất này, bởi thế ngài đã trao phó công việc truyền giáo thành này trong tay Đức Mẹ.
Trong thông cáo ngày 13 tháng 6 năm 1959, Đức Cố Hồng Y JM. truyền cho cả giáo phận mừng lễ Đức Mẹ Hà Nội và người chọn nhà thờ Cửa Bắc là Nhà Thờ Đức Mẹ Hà Nội. Ngày 15 tháng 9 năm 1959 ngài đã dâng Địa phận cho Trái Tim Đau Sót và Vẹn Sạch Đức Mẹ cũng tại chính nhà thờ Cửa Bắc.
Trong Hồi ký của Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn có viết “Đức Giám Mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã nhờ cha thừa sai chụp ảnh tượng Đức Mẹ trước Nhà Thờ Lớn đem sang Pháp làm một tượng bằng đá trắng, dự tính mang về đặt ở nhà thờ Cửa Bắc. Tượng làm xong mà không đem về được nên gửi lại tại đan viện Clarisses (Voreppe – Pháp), đặt tại nhà mặc áo”.
Từ những lý do trên mà Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã quyết định lấy tước hiệu “ĐỨC MẸ HÀ NỘI” cho nhà thờ Cửa Bắc, khi cung hiến ngôi nhà thờ này.

Lời kết
Trong một giai đoạn vô cùng khó khăn và đầy rẫy những thử thách đau khổ, thậm chí là bắt bớ thì Đức Cố Hồng Y Khuê đã không tìm được cách thức nào tốt hơn để chăm sóc đoàn chiên Địa Phận cho bằng dâng lên Đức Maria để Mẹ che chở. Đức Cố Hồng Y đã chạy đến với Mẹ trong tâm tình một người con và cũng là một mục tử. Và quả thực, khi ấy, ngài đã được ơn soi sáng.
Tham khảo: Giờ Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Bến Đá Của Thành Phố Biển Vũng Tàu