Giờ lễ nhà thờ Cầu Lớn
– Ngày thường: 17h30
– Chúa nhật: 6h00 – 17h00
Nhà thờ Cầu Lớn ở đâu?
– Địa chỉ: 1E Đặng Công Bỉnh, Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TPHCM
– Bổn mạng: Đức Mẹ Phù Hộ
– Năm thành lập: 2000 – 2003
– Chánh xứ: Cha Đa Minh Nguyễn Văn Ngọc
>>> Xem thêm: Hành Hương Đức Me Tà Pao Phan Thiết 2 ngày 1 đêm

Lịch sử về nhà thờ Cầu Lớn – Hóc Môn
1. Bối cảnh khu vực nông trường
Sau biến cố 30/04/1975, giáo dân thuộc khu vực nông trường Nhị Xuân, An Hạ, Phạm Văn Hai và các vùng lân cận (khu vực này rộng khoảng 25 km2) có nhiều hoàn cảnh khác nhau: là Thanh Niên Xung Phong hay gia đình thuộc diện “đi kinh tế mới”, hay một số gia đình thuộc diện trắc trở hôn phối (do rối nên không thể hòa nhập với môi trường địa phương của mình là khu vực toàn tòng nên tìm đến nơi xa lạ), và một số hoàn cảnh cá biệt khác.
Vì qúa xa Nhà Thờ : từ vị trí Cầu Lớn đến Nhà Thờ Ninh Phát là hơn 10 Km, đến Nhà Thờ Tân Thịnh (Cầu Bông) là 6 Km, đến Nhà Thờ Bà Điểm là hơn 8 Km, còn đường sá thì lầy lội, đời sống của dân chúng thì quá khó khăn, phương tiện di chuyển chủ yếu là đi bộ, nhưng nhất là thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn về mặt chính trị, tôn giáo nên anh chị em giáo dân khó lui tới Nhà Thờ để tham dự các Bí tích.
Năm 1979, được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam thành lập một cộng đoàn tu sĩ cạnh bên Nhà thờ Tân Thịnh để phục vụ giáo xứ. Từ đây, các cha và các thầy thường lui tới thăm hỏi, giúp đỡ anh chị em giáo dân, cách riêng những anh chị em tại khu vực nông trường Nhị Xuân này.
2. Hình thành khu Đức Mẹ Phù Hộ
Khoảng năm 1988, khi có sự cởi mở hơn về chính trị, tôn giáo thì giáo dân thuộc vùng nông trường Nhị Xuân đã hình thành nên Khu Đức Mẹ Phù Hộ (hay còn gọi là Khu Nông Trường), là một khu thuộc giáo xứ Tân Thịnh (Cầu Bơng). Khu Đức Mẹ Phù Hộ được xác định bởi một phần của xã Xuân Thới Sơn và một phần của xã Xuân Thới Thượng, cụ thể : Đông giáp với giáo xứ Bà Điểm, Tây Nam giáp với Khu 5 giáo xứ Ninh Phát và Tấy Bắc giáp Tỉnh Long An, Nam giáp với giáo xứ Ninh Phát, Bắc giáp với khu Giuse thuộc giáo xứ Tân Thịnh.
Đầu năm 1990, Thầy Phó tế Antôn Trần Đức Dậu, SDB được cộng đoàn Saviô Cầu Bông trao phó việc phục vụ anh chị em giáo dân thuộc khu này.
Vì sự cần thiết cho công việc phục vụ được tốt đẹp, trong thời gian này anh chị em giáo dân đã bầu chọn ban mục vụ của Khu :
Trưởng Khu : Ô. Phaolô Tống Văn Hùng
Phó khu : Ô. JB. Lưu Văn Sao
Thủ Quỹ : B. Anna Vũ Thị Loan
Tổ Trưởng 1: Ô. Đaminh Nguyễn Mạnh Hùng
Tổ Trưởng 2 : Ô. J.M Vũ Quang Minh
Ngày 17/12/1991 Thầy Antôn được thụ phong linh mục và tiếp tục âm thầm phục vụ Ngày 24/05/1994 Cha Antôn đã rước tượng Đức Mẹ Phù Hộ về và làm một đài đơn sơ tại vườn điều của gia đình ông trưởng khu Phaolô Tống Văn Hùng. Anh chị em giáo dân thường lui tới đây đọc kinh lần hạt vào các chiều Thứ Bảy và các ngày trong tháng Mân Côi.
Ngày 06/07/1994 thầy Phó tế Phêrô Phạm Văn Bộ, SDB được Cộng đoàn Saviô Cầu Bông trao phó công việc thay cho Cha Antôn là phụ trách khu Đức Mẹ Phù hộ các Giáo Hữu.

Trong thời gian 1994-1998 : Dù Khu chưa có một chút cơ sở vật chất nào, nhưng việc giáo dục đời sống đức tin vẫn được Khu nỗ lực. Hằng năm, các lớp giáo lý cho các em vẫn được tổ chức tại giáo xứ Tân Thịnh, riêng có một số em nhỏ chưa xưng tội rước lễ lần đầu và không có điều kiện đi xa thì được tổ chức tại nhà của Thầy Đaminh Nguyễn Văn Tịnh (Khu 5, An Hạ). Lớp này do thầy phó tế đảm nhận.
Để hun đúc đời sống đức tin, ngoài việc tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật tại nhà Thờ Tân Thịnh, anh chị em giáo dân còn tích cực luân phiên đọc kinh tối tại các gia đình. Nhưng sự việc chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn vì chính quyền địa phương không cho phép.
Dù chưa có chỗ để giáo dân làm việc thờ phượng Chúa và các sinh hoạt tôn giáo, nhưng mỗi năm vào tháng Hoa bà con giáo dân vẫn cố gắng tổ chức những buổi lần hạt, dâng hoa trước tượng Mẹ, và nhất là Thánh Lễ Kính Mẹ Phù Hộ (24/5): bổn mạng Khu được tổ chức trọng thể dưới chân tượng Mẹ.
3. Dựng nhà nguyện – Chòi thờ
Do phải đi qúa xa để tham dự Thánh Lễ mà phương tiện di chuyển lại không có, đường xá quá xấu, nên năm 1995 được Đức Cha Giám Quản Nicôla Huỳnh Văn Nghi chỉ dạy, thầy phụ trách đã nhờ các ông: Nguyễn Tiến Duy, Nguyễn Văn Thanh (Dậu) và Tống Văn Hùng đại diện cho anh chị em giáo dân nhiều lần làm đơn xin Chính quyền địa phương cho phép các linh mục vào dâng lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng.
Sau hơn hai năm chờ đợi, ngày 4/11/1997 Cha Antôn Phạm Gia Thuấn, Quản hạt Hóc Môn đã được chính quyền địa phương cho phép dựng Nhà Nguyện (Chòi Thờ) để dâng Lễ cho giáo dân vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng.
Ngày 11/11/1997 Cha Fabianô Lê Văn Hào, chánh xứ Tân Thịnh đã cho khởi công dựng Nhà Nguyện trên phần đất của gia đình ông Phaolô Tống Văn Hùng, bao trùm lên Tượng Đài Đức Mẹ Phù Hộ đã xây dựng trước.
Thánh Lễ đầu tiên được cử hành lúc 17g00 chiều Thứ Bảy ngày 30/11/ 1997 : Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, do Cha quản hạt Hóc Môn chủ tế cùng với các Cha trong Hạt đồng tế..
4. Mua đất lập nhà thờ
Thấy được nhu cầu lâu dài của Nhà Nguyện tại khu vực Nhị Xuân, thầy phụ trách đã liên hệ với gia đình ông Tống Văn Hùng : ông cùng gia đình đồng ý bán lại phần đất mà Nhà Nguyện đã được dựng lên trên đó. Để có tiền mua đất, Muà Chay năm 1999, Cha Quản Hạt Hạt Hóc Môn phát động Chiến Dịch Truyền Giáo bằng cách xin mỗi một giáo dân trong Hạt đóng góp 4.000 đồng để mua đất cho Nhà Nguyện Khu Mẹ Phù Hộ (Chòi Thờ).
Ngày 23/1/2000 Đức Tổng Giám Mục J.B. Phạm Minh Mẫn về ban Phép Thêm sức cho các em thiếu nhi thuộc giáo xứ Tân Thịnh nhưng được Cha Xứ tổ chức taị Nhà Nguyện Đức Mẹ Phù Hộ. Sau Thánh Lễ Đức Tổng đã trao 8.800 USD cho ông Phaolô Tống Văn Hùng là tiền Giáo Phận mua 1.250m2 đất mà Ngôi Nhà Nguyện đang toạ lạc trước sự chứng kiến của Cha Quản Hạt, Cha xứ Tân Thịnh và các Cha trong Hạt. Số tiền trên là do giáo dân trong Hạt Hóc Môn đóng góp.

Bổn mạng Đức Mẹ Phù Hộ – Giáo xứ Cầu Lớn
Thánh đường giáo xứ Cầu Lớn, thuộc hạt Hóc Môn, Cha Giuse Trần Hòa Hưng, Giám tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam, đã long trọng hiệp dâng Thánh lễ kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu – bổn mạng của giáo xứ, cũng là ngày truyền thống của Hội dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam (SDB).
Đồng tế với ngài có cha Giorgio Nguyễn Đức Phùng, SDB – Giám đốc Cộng thể Savio Cầu Bông, cha chánh xứ Đaminh Đỗ Văn Bình, SDB và các cha trong dòng. Đến hiệp dâng Thánh lễ có đông đảo bà con giáo dân trong xứ và các thành phần trong gia đình Salêdiêng Don Bosco.
Trước Thánh lễ, cha chủ tế đã đốt những lá thư do mỗi người viết để gửi cho Đức Mẹ, và cộng đoàn cùng lên dâng hoa cho Đức Mẹ, đồng thời nhận lại một tấm hình “Đức Mẹ phù hộ” cùng với lời nhắn nhủ của Mẹ.
Đầu lễ, cha Giuse mời gọi cộng đoàn tôn vinh Mẹ không chỉ bằng nghi thức rước kiệu, dâng hoa cho Đức Mẹ, nhưng trên hết, mỗi người hãy luôn thưa chuyện với Mẹ, phó thác đường đời cho Mẹ bằng tất cả tấm lòng của người con thảo hiếu.
Khởi đi từ bài Tin Mừng theo Thánh Gioan (2,1-12), trình thuật về dấu lạ đầu tiên tại Cana, cha Giuse chia sẻ: Theo Tin Mừng thánh Gioan, Đức Maria không chỉ được diễn tả trong tư thế làm Mẹ Đấng Cứu thế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong công trình cứu độ của Chúa Cha ngang qua Chúa Giêsu.
Mẹ luôn quan tâm đến người khác, Mẹ đã lên tiếng với Chúa Giêsu về tình hình nghiêm trọng sắp xảy đến: “Họ hết rượu rồi!” Việc can thiệp của Đức Maria và việc Chúa Giêsu biến nước thành rượu đã nói lên một Thiên Chúa tình yêu đang đến và đem ơn Cứu độ cho con người trong đời sống thường ngày.
Cộng đoàn hãy luôn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa tình yêu là chính Chúa Giêsu và sự cầu bầu của Mẹ Maria. Hãy đến La Vang, Lộ Đức, Fatima để thấy những dấu lạ vĩ đại Chúa đã thực hiện qua lời kêu xin của Mẹ – Cha Giuse quảng diễn thêm.
Cha ân cần nhắn nhủ cộng đoàn, đặc biệt các em sắp rước lễ lần đầu và Hội đồng Mục vụ giáo xứ nhiệm kỳ mới, hãy luôn trông cậy vào Mẹ, tâm sự, tin tưởng, phó thác vào Mẹ, vì Mẹ là Trạng sư, là vị Bảo trợ, là Đấng phù hộ và là Đấng trung gian giữa chúng ta và Thiên Chúa.

Lãnh nhận bí tích Chúa Thánh Thần – Giáo xứ Cầu Lớn
Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Giám quản TGP Sàigòn – (ĐC Giuse) đã ban phép Thêm Sức cho 46 em thiếu nhi giáo xứ Cầu Lớn – hạt Hóc Môn. Đồng tế với ĐC Giuse có linh mục Chánh xứ Giuse Nguyễn Chí Dũng và linh mục Đaminh Đỗ Văn Bình – là cựu Chánh xứ giáo xứ Cầu Lớn.
Sau bài Phúc Âm, ĐC Giuse mở đầu bằng các câu hỏi căn bản về giáo lý qua dấu Thánh Giá và kinh Tin. ĐC giải thích ngắn gọn thêm cho các em dễ nhớ: Bổn phận của người lãnh nhận bí tích Thêm Sức.
Sau bài giảng, các em đã xếp thành hai hàng ở lối giữa nhà thờ để bắt đầu nghi thức Thêm Sức. ĐC Giuse hỏi để các em nhắc lại lời tuyên xưng Đức tin khi chịu phép Rửa Tội; ĐC Giuse đặt tay cầu nguyện cho các em sắp Thêm Sức; sau đó lần lượt từng em tiến lên để được ĐC Giuse xức Dầu Thánh lên trán.

Lời kết
Mọi người khi đến đây đều cảm tạ Chúa cho giáo xứ Cầu Lớn và tin rằng, với sự cộng tác vào ơn Chúa, cộng đoàn giáo xứ Cầu Lớn sẽ ngày càng phát triển cả về chất lẫn lượng, xứng đáng với sự cầu bầu của Đức Mẹ vườn Điều, bổn mạng của giáo xứ Cầu Lớn.
GỢI Ý