Giờ lễ nhà thờ Ao Kho
– Ngày thường: 17h45
– Thứ 7: 18h30
– Chúa nhật: 6h30 – 16h30
Nhà thờ Ao Kho ở đâu?
– Địa chỉ: 87/115 Huỳnh Thúc Kháng, khóm 8, phường 7, Cà Mau
– Thành lập năm 1929
– Bổn mạng: Thánh Giuse
– Chánh xứ: Lm Phanxico Trần Cường Dũng Bá
>>> Xem thêm: Tour Hành Hương Công Giáo tại Việt Nam

Lịch sử nhà thờ Ao Kho
Ao kho là một họ đạo nhỏ thuộc vùng miền cuối nước Việt, tọa lạc trên bờ sông Gành Hào, phía Bắc giáp ranh họ đạo Cà Mau, phía Đông và Nam giáp ranh họ đạo Hòa Thành và Hòa Trung. Nằm về phía Đông Nam của thành phố Cà Mau, cách thành phố Cà Mau 3 km. Ao Kho thuộc khóm 8, phường 7, Thành phố Cà Mau.
Cái tên Ao kho đã có từ lâu đời, và mang tính lịch sử. Theo tài liệu sử Việt Nam, năm 1782 Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đánh Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh), chạy về Hà tiên và Phú Quốc. Chúa Nguyễn Ánh đến đây và truyền lệnh cho binh lính đào một cái ao để cất giấu vũ khí và tiền bạc trong thời gian lánh nạn.

Sau khi phục hồi và củng cố quân lực, Nguyễn Ánh trở lại đây lấy vũ khí đánh đuổi Tây Sơn thống nhất đất nước(1801). Ao này sau khi lấy vũ khí trở thành ao chứa nước mưa, dân trong vùng đến đây lấy nước để sinh hoạt. Cái tên Ao Kho trở thành quen thuộc cho dân trong vùng mỗi khi đến lấy nước. Ao Kho ngày nay vẫn còn và dùng làm ao lắng để nuôi tôm.
Năm 1928, Ao Kho là vùng đất hoang vu, còn nhiều thú dữ, dân chúng thưa thớt với vài hộ dân đia phương sinh sống. Sau đó một số hộ dân công giáo ở Hòa Thành ra đây lập nghiệp. Cha Yves Quimbrot (1929-1940), là cha sở họ đạo Hòa Thành. Ngài quan tâm đến cuộc sống của những hộ dân nơi đây. Cha giúp đỡ họ khai khẩn đất hoang làm ruộng và tạo điều kiện cho họ phát triển về mặt kinh tế xã hội cũng như về tôn giáo.
Năm 1931, cha Yves Quimbrot đã dựng một ngôi nhà nguyện bằng lá để giáo dân nơi đây có nơi đọc kinh, thờ Chúa nhất là những ngày Chúa Nhật. Giáo dân có khoảng 15 hộ gia đình, sống nghề nông và đánh bắt cá, nhưng đức tin của họ vững mạnh dù chưa hình thành một họ đạo. Điều hành và quản lý ngôi nhà nguyện này là ông Ngô Hữu Linh, tục gọi là ông quản Linh. Ông đã có công nhiều để khai sinh họ đạo Ao Kho.
Năm 1945-1954: Thời kỳ chống Pháp. Vì chiến tranh, giáo dân bỏ nhà cửa di tản tới kinh xáng Đội Cường và Cái Cấm lánh nạn. Con chiên sơ tán khắp nơi, nhà Chúa tiêu điều.
Sau 1954, giáo dân trở về lập nghiệp. Một số giáo dân Cái Cấm và Bàu Sen lên Ao Kho sinh sống. Ao kho thấy phấn khởi vì giáo dân thêm đông, sinh hoạt tôn giáo linh động hơn.

Đến 1957, cha Giuse Nguyễn Văn Đầy về nhận nhiệm sở Hòa Thành. Cha đặc biệt quan tâm đến giáo dân các giáo điểm. Tức khắc trong năm 1957, cha cho làm lại ngôi nhà thờ bằng lá trên bờ sông Gành Hào. Từ đó, Ao Kho mới chính thức được nhận là một họ đạo trực thuộc Hòa Thành. Một năm sau đó (1958), Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình đến làm phép ngôi nhà thờ này. Cha Giuse Đầy là người có công rất lớn đối với họ đạo Ao Kho, vì cha là người sáng lập ra họ đạo Ao Kho.
Bốn năm sau (1961), nhà thờ bị sóng đánh sạt lỡ bờ và hơn nữa nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Cha Giuse Đầy khởi sự cất lại ngôi nhà thờ mới khang trang hơn bằng lớp ngói, cột dầu, ghép ván, và được dời sâu vào đất liền tránh sạt lỡ. Năm 1961 Đức cha Phillipphê Nguyễn Kim Điền đã đến làm phép nhà thờ này. Họ đạo Ao Kho vẫn trực thuộc Hòa Thành từ năm 1931-1976.
Sau ngày giải phóng 30.4.1975, họ đạo Ao Kho may mắn tiếp nhận 4 nữ tu thuộc Hội Dòng Bác Ái Vinh Sơn đến phục vụ họ đạo (1976-1988). Các nữ tu đã thích nghi nhanh chóng cuộc sống nơi đây của dân chúng: lao động canh tác, tự lực mưu sinh …các nữ tu nhiệt tình phục vụ họ đạo. Vì lý do an ninh, các dì rút khỏi Ao kho năm 1988.
Trong những năm từ 1975-1977, cha Piô Ngô Phúc Hậu, cha Phanxicô Huỳnh Văn Sơn hàng tuần đến dâng lễ và cử hành các Bí tích cho giáo dân.
Ngày 15.8.1977, thầy Giuse Nguyễn Văn Nam được Đức Giám Mục địa phận chính thức sai đến phục vụ họ đạo Ao Kho. Sau đó ít tháng, Ao Kho lại được may mắn tiếp nhận thêm thầy Phaolô Nguyễn Văn Vinh đến giúp họ đạo. Đầu năm 1978, thầy Nguyễn Văn Vinh được bài sai chuyển về Hòa Thành theo nhu cầu của giáo dân. Từ năm 1977-1978, họ đạo Ao Kho trực thuộc họ đạo Bảo Lộc, Cà Mau.

Lời kết
Đến nay 2015, cái tên Ao Kho tròn 86 tuổi (1929-2015), gồm 1080 giáo dân, tổ chức làm 5 khu. Họ đạo Ao Kho trải qua bao sự biến đổi về hoàn cảnh cũng như con người. Đức tin lòng đạo đức được củng cố qua các chủ chăn, ơn gọi tu trì sinh hoa kết trái, 1 linh mục, 3 tu sinh, 7 nữ tu và 3 dự tu.
Đời sống kinh tế xã hội có phần tiến bộ, đời sống dân trí được nâng cao. Mặc dù còn nhiều khó khăn về đời sống đức tin và hoàn cảnh sống nhưng những người con Chúa luôn nổ lực sống chứng tá giữa cuộc đời với bao thử thách và cạm bẫy lôi kéo.
THAM KHẢO THÊM
Thăm Hang Đức Mẹ Côn Đảo Trong Rừng Rậm Hoang Sơ