Nhà thờ An Thạnh – Giáo phận Cần Thơ

5/5 - (4 bình chọn)

Giờ lễ nhà thờ An Thạnh 

– Ngày thường: 5h00 – 18h00

– Chúa nhật: 5h00 – 7h30 – 17h00 – 19h00

Nhà thờ An Thạnh ở đâu?

– Địa chỉ: 249 đường 30 tháng 4, Hưng Lợi, TP Cần Thơ

– Thành lập năm 1886

– Chánh xứ: Linh mục An Ton Nguyễn Phi Hùng

>>> Xem thêm: Tour Hành Hương Đức Mẹ Bãi Dâu – Chúa Kito Vua Vũng Tàu

giờ lễ nhà thờ an thạnh
Nhà thờ An Thạnh Cần Thơ

Lịch sử về nhà thờ An Thạnh

Đời Nguyễn Ánh (Gia Long) chạy giặc Tây Sơn, Chúa Nguyễn Ánh thường ẩn náu vùng Hậu Giang, có đặt một đội quân tình báo liên lạc tại Cần Thơ, nhưng không dám đóng ngoài rạch Cần Thơ, mà phải vào Rạch Bần (Tham Tướng hiện nay), là chi nhánh của rạch Cần Thơ. Bộ đội ấy phần lớn là công giáo, nên có lập nhà thờ bằng cây lá, phía sau có đất thánh hiện còn.

Ông cai quản bộ đội là ông Tham Tướng Mạc Tử Sanh. Vì lâu năm lần lần người ta gọi là rạch Tham Tướng. Theo sách “Cần Thơ xưa và nay”, thì ông Mạc Tử Sanh tử trận khi chống với quân Tây Sơn tại Rạch Bần, nên mới đổi Rạch Bần ra rạch Tham Tướng, có cây cầu đúc gọi là cầu Tham Tướng.

Bổn đạo của Cần Thơ và nhà thờ đầu tiên đều ở tại Rạch Bần, thỉnh thoảng có linh mục đến làm phúc. Có lẽ vì trận đánh với Tây Sơn mà tín hữu chạy tan tác, nhà thờ bị tàn phá, nhưng đất thánh còn nguyên.

Năm 1886 Đức Cha Cordier địa phận Cambodge phái cha Gonet và Cha Jacques Bùi Kỷ Lập (người Pháp) đang ở họ Châu Đốc xuống Cần Thơ để tìm dấu tích họ Cần Thơ cũ và lo lập lại. Nhưng vì lâu năm không còn ai biết tới, nền nhà thờ và đất thánh lẫn trong đám rừng chồi. Hai cha đi dọ hỏi dân cư trong vùng, họ cho biết có một nghĩa địa lâu đời, các ngôi mộ đều có cây thập tự.

giờ lễ nhà thờ an thạnh
Nhà thờ An Thạnh – Đài Đức Mẹ

Thế là hai cha khám phá ra đất thánh, tìm ra mé rạch thì thấy một nền nhà rộng dài, đoán là nền nhà thơ xưa. Hai cha mới cất lại nhà thờ, đem một ít gia đình công giáo đến ở, tậu hai mẫu đất xung quanh để lập họ, gọi là họ Tham Tướng A (Rạch Bần).

Một thời gian sau có một vị Thừa sai khác thấy cần phải mở rộng vì đất hẹp người ngày càng đông, nên đã mua thêm 20 mẫu đất ở Rạch Bà Nga, cách họ đạo Tham Tướng hiện nay hơn 1000 mét và sát mé sông Cần Thơ. Vị Thừa sai này dựng nên ngôi nhà thờ, bổn đạo theo về khá đông lập nên họ đạo, cũng lấy tên Tham Tướng đặt cho họ đạo mới. Năm 1914, cha Constant Duquet được đặt làm cha sở đầu tiên, ở tại Tham Tướng B này, có khoảng 600 giáo dân.

Năm 1916 Cha Duquet mua đất lập nhà thờ tại Châu Thành Cần Thơ (hiện nay là đất nhà thờ Chánh tòa CT), bổn đạo phần lớn bỏ Tham Tướng về Châu Thành. Từ lúc ấy các cha sở về ở nhà thờ mới, còn cha phó thì ở tại Tham Tướng B (Rạch Bà Nga).

Năm 1936 nhà thờ cũng bị sập, cha phó Hồ Đắc Khấn về ở nhà thờ Châu Thành, bổn đạo chỉ còn độ 200 phải đi xem lễ tại nhà thờ lớn Cần Thơ và trẻ em cũng đi học nơi đó. Đức Cha Nam Vang cho phép lập nhà dưỡng lão trên nền nhà thờ Tham Tướng B.

Đến năm 1945 nhà Dòng Chúa Quan Phòng Cù lao giêng bị Việt Minh đốt phá, các bà chạy loạn tựu về Cần Thơ. các người ở nhà dưỡng lạo thì đưa về Sađéc và Cù lạo giêng. 1958 nhà dòng khởi sự xây cất nhà mới hiện nay. Đức Cha Phaolo Nguyễn văn Bình đến làm phép.

Năm 1967, ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Bình phái Cha Dôminicô Vũ Phụng Thiên đang coi họ đạo Cái Khế đến Tham Tướng B để lập lại nhà thờ. Một nhà thờ bằng mái lá đơn sơ được dựng nên và sinh hoạt tôn giáo. Số giáo dân lúc đó khoảng 200 người.

Năm 1961, ĐGM Philipphê Nguyễn Kim Điền tiếp tục đặt Cha Alphongsô Nguyễn Thiên Tứ đang làm cha sở họ đạo Tham Tướng A kiêm nhiệm luôn họ đạo Tham Tướng B.

Ngày 24/04/1962 Cha Alphongsô Nguyễn Thiên Tứ xây cất lại nhà thờ Tham Tướng B. Tổn phí do nhà chung đài thọ. Bà Mẹ Bề trên Dòng Chúa Quan Phòng Glossine đã giúp nhiều vào nhà thờ này cả tiền bạc và vật liệu.

Ngày 9/9/1962 Đức Cha Antôn Nguyễn văn Thiện, GM giáo phận Vĩnh Long, nguyên là cha chính và cha sở nhà thờ Chánh Tòa Cần Thơ cùng với Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, GM giáo phận Cần Thơ đến làm phép và dâng Thánh lễ đầu tiên nhà thờ này.

Tháng 8/1965 Cha Cyprianô Nguyễn Thanh Mậu đang nghỉ hưu phụ giúp cha Alphongsô Nguyễn Thiên Tứ coi sóc họ đạo Tham Tướng B đến ngày 24/03/1968.

giờ lễ nhà thờ an thạnh
Nhà thờ Giáo xứ An Thạnh

Họ đạo An Thạnh

Ngày 20/03/1968, ĐGM Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang tách họ đạo Tham Tướng B khỏi họ đạo Tham Tướng A, thành lập một họ đạo mới, và bổ nhiệm cha Giacôbê Lê Văn Tỏ làm cha sở với nhiệm vụ của cha Giám Quản (Rector Ecclesiae). Từ nay họ đạo mang một tên mới là họ đạo AN THẠNH. Để có nơi ở và làm việc, Cha lo xây dựng nhà xứ. Cha còn xây dựng một nhà giáo lý 3 căn để có nơi dạy giáo lý và hàng rào bao quanh khuôn viên nhà thờ.

Năm 1975, ĐGM Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang lại bổ nhiệm Cha Gabriel Văn Công Phong làm cha sở thay thế cha Giacôbê Lê Văn Tỏ. Trong thời gian coi sóc họ đạo cha lo tổ chức lại cơ cấu sinh hoạt giáo xứ như thành lập HĐGX, các giới Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Giới Trẻ và Thiếu Nhi, chăm lo các lớp giáo lý. Là môt Linh mục có tinh thần truyền giáo, cha đã mua được một miếng đất để làm điểm truyền giáo Cái Da (nay thuộc phường Hưng Thạnh).

Ngày 16/09/1997, ĐGM Emmanuel Lê Phong Thuận bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Hải Uyên làm cha sở thay thế cha Gabirel Văn Công Phong sau 22 năm gắn bó với họ đạo.

Cha Giuse mới về cũng lo chỉnh trang lại khuôn viên nhà thờ, nâng cấp sân nhà thờ vì hay bị ngập lụt. Cho cũng tiếp tục củng cố các sinh hoạt cho HĐGX, các giới. Về truyền giáo lo củng cố giáo điểm Cái Da bằng việc thăm viếng, cất nhà tình thương, bác ái giúp đỡ người nghèo. Ngày 5/9/2000 cha chuyển họ đạo.

Ngày 12/09/2000, ĐGM Emmanuel Lê Phong Thuận bổ nhiệm cha Gioanbaotixita Lê Văn Lẫm về làm cha sở họ đạo An Thạnh. Lúc ấy lộ giới đường 30/4 có chương trình mở rộng, nhà thờ phải di dời về phía sau. Đứng trước hoàn cảnh đó, cha Gioanbaotixita phải bắt tay ngay vào việc phá dỡ ngôi nhà thờ cũ và nhà xứ.

Thay vào đó cha xây dựng lại ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ hơn, nhà giáo lý một trệt một lầu dài 60 mét, Đài Đức Mẹ cũng mới mẻ. Vào ngày 1/5/2003 ĐGM Têphanô đã đến Cung hiến Nhà Thờ cách long trọng. Ngoài ra cha vẫn tiếp tục củng cố các sinh hoạt cho giáo xứ, đặc biệt quan tâm đến các lớp giáo lý.

Từ đầu tháng 7/2003 cha Gioanbaotixita đã phải nghỉ chữa bệnh. ĐGM Emmanuel đã trao họ đạo cho cha Phêrô Huỳnh Ngọc Điệp làm giám quản cho đến ngày 30/03/2005.

Ngày 1/4/2005 ĐGM Emmanuel chính thức bổ nhiệm cha Phanxicô Phan Văn Triêm làm cha sở họ đạo An Thạnh. Cha đã tiếp tục củng cố các sinh hoạt họ đạo về các mặt, lát sân và xây dựng khán đài, quan tâm đến việc truyền giáo như tổ chức Caritas, giúp đỡ người nghèo, chương trình HIV, cất nhà tình thương. Đến ngày 28/03/2010 cha chuyển về họ đạo Sóc Trăng.

Ngày 2/4/2010 ĐGM Emmanuel lại bổ nhiệm cha Micae Trần Đình Nha làm cha sở An Thạnh. Ngoài việc tiếp nối những công việc của các vị tiền nhiệm để lại, cha đặc biệt quan tâm đến thành phần di dân và các sinh viên đến từ các vùng thôn quê, giúp họ tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật, lãnh nhận các Bí tích, học giáo lý và nơi trọ. Việc bác ái tổ chức phát thuốc hằng tuần và thành lập các hội đoàn trở lại để tham gia vào công cuộc Phúc Âm hóa.

Tính từ năm 1899 thì họ đạo đã có 114 tuổi, nhưng đã trải qua thăng trầm nhiều lần : 4 lần xây dựng nhà thờ; Linh mục lúc có lúc không. Thế nhưng Chúa thương đã ban cho họ đạo được diễm phúc có 1 Giám Mục là Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện và 8 linh mục : cha Px Huỳnh Công Triệu, cha Anrê Huỳnh Văn Cường, cha Phaolô Huỳnh Tấn Hoàng, cha Augustino6 Huỳnh Văn Mão, cha Simeon Huỳnh Văn Tông, cha Antôn Huỳnh Văn Lộ, cha Px Huỳnh Văn Sơn, cha Gbt Trương Thành Công.

Qua 114 năm đã có 30 Linh Mục phục vụ họ đạo. Ngoài ra trong địa bàn họ đạo An Thạnh còn có các cơ sở của Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng, Dòng Thánh Gia, Nhà Hưu Dưỡng các Linh Mục.

giờ lễ nhà thờ an thạnh
Nhà thờ Giáo xứ An Thạnh

Lời kết

Lạy Chúa, mọi sự con làm, mọi điều con nói đều là theo đúng Thánh Ý của Chúa – con xin thực hiện nơi con mọi sự theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa.


THAM KHẢO THÊM

Tượng Chúa Kito Vua Vũng Tàu Lớn Nhất Châu Á

Tour hành hương Đức Mẹ Tà Pao – Đức Mẹ Núi Cúi 1 ngày 1 đêm