Địa chỉ: phố Chùa Một Cột, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Chùa Một Cột có tên ban đầu là Liên Hoa Đài có tức là Đài Hoa Sen với lối kiến trúc độc đáo: một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất. Liên Hoa Đài là công trình nổi tiếng nhất nằm trong quần thể kiến trúc Chùa Diên Hựu, có nghĩa là ngôi chùa “Phúc lành dài lâu”.
Chùa Một Cột ngày nay cùng chùa Diên Hựu hiện đại (tức là quần thể chùa Diên Hựu xưa) được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962.
Giới Thiệu Về Chùa Một Cột, Hà Nội
nhiều người vô tình ngộ nhận Chùa Một Cột là một ngôi chùa được xây trên một cái cột. Thực chất, đây là một kiến trúc đơn nguyên có tên chính xác là “Liên Hoa Đài”, một ngôi điện thờ Quán Thế Âm được đặt trên một cột trụ duy nhất, nằm trong tổng thể Chùa Diên Hựu.
Ngôi chùa Diên Hựu khi xưa rất đồ sộ với nhiều hạng mục kiến trúc, nhưng hầu hết đã bị tàn phá bởi địch họa, thiên tai, và còn sót lại Liên Hoa Đài mà thôi. Tuy nhiên, công trình này vẫn giữ cái tên “Chùa Một Cột” theo cách gọi quen thuộc của dân gian. Ngày nay, ngoài Liên Hoa Đài nhất trụ, Chùa Một Cột còn có tam quan, tam bảo, hành lang giải vũ, tăng phòng, và tháp tổ trong vườn.
Lịch sử Chùa Một Cột
Chùa Một Cột được khởi dựng từ thời Lý vào mùa đông năm 1049. Tương truyền, vua Lý Thái Tông mơ thấy Quán Thế Âm Bồ Tát tọa trên một đài sen, sau đó Phật Bà còn mời nhà vua ngự cùng. Khi biết câu chuyện chiêm bao của vua Lý Thái Tông, nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên vua nên dựng một ngôi chùa với cột đá, tòa sen đặt trên cột như đã thấy trong mơ, và đặt tên là Diên Hựu, có nghĩa là “phúc lành dài lâu”.
Dưới đời vua Lý Nhân Tông, vào năm 1105, Chùa Một Cột được mở rộng và cải tạo đẹp hơn, với sự xuất hiện của hồ Liên Hoa Đài, hay còn gọi là hồ Linh Chiểu, hồ Bích Trì, và bảo tháp. Do lòng sùng kính Đức Phật, hàng năm vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua Lỹ Nhân Tông tổ chức lễ tắm Phật và phóng sinh trước sự chứng kiên sucar rất nhiều sư tăng và nhân dân khắp kinh thành Thăng Long.
Đến thời Trần – Lê – Nguyễn, chùa Diên Hựu và Liên Hoa Đài bị xuống cấp trầm trọng, nên được xây lại và tu sửa rất nhiều lần qua các đời vua. Về sau, tổng thể Chùa Diên Hựu chỉ còn kiến trúc Liên Hoa Đài trên cột đá, được người đời sau thường xuyên tu sửa để lưu giữ hồn thiêng của đất Thăng Long, và gọi là Chùa Một Cột.
Vào năm 1954, Chùa Một Cột bị phá hủy bởi bom đạn chiến tranh, và liền sau đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đại trùng tu dựa trên bản vẽ lưu lại từ thời Nguyễn, và đến tháng 4/1955 thì hoàn thành. Từ đó đến đây, Chùa Một Cột liên tục được tôn tạo và bảo tồn như một di sản văn hóa – lịch sử – kiến trúc của dân tộc Việt Nam.
Kiến Trúc Chùa Một Cột, Hà Nội
Công trình Liên Hoa Đài, hay Chùa Một Cột ngày nay nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội là phiên bản được dựng lại vào năm 1955 bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng trên nền tảng bản thiết kế để lại từ thời Nguyễn.
Chùa Một Cột sở hữu kiến trúc rất độc đáo. Tổng thể ngôi chùa là hệ thống các thanh gỗ kết hợp lại với nhau thành một gian hình vuông, dựng trên một cột đá lớn, tựa như đài sen mọc lên giữa hồ Linh Chiểu. Thành hồ cũng được làm bằng gạch sành tráng men.
Phần mái chùa được lợp bằng ngói vảy màu đỏ gạch với bốn góc mái đầu đao cong vút. Nổi bật trên nóc mái chùa là “lưỡng long chầu nguyệt” được đắp tạc tinh xảo, hình tượng mang lại sự hòa hợp của vũ trụ và trấn yểm sự linh thiêng của ngôi chùa.
Có thể nói, Chùa Một Cột là công trình kết hợp tinh tế giữa kiến trúc, hội họa, cũng như điêu khắc đá.
Trong khuôn viên Chùa Một Cột còn có tam quan, với bức hoành phi có tạc ba chữ “Diên Hựu Tự”, nguyên là công trình được khởi lập cùng với quần thể Chùa Diên Hựu năm xưa và đã bị sụp đổ, nhưng được xây lại gần đây để mở rộng quy mô Chùa Một Cột, tạo thành nơi sinh hoạt tôn giáo của các tăng ni, Phật tử, cũng như đón khách tham quan du lịch.
Để lên được chính điện Liên Hoa Đài, bạn sẽ bước qua 13 bậc thang với chiều rộng khoảng 1,4m. Những bậc thang này được xây dựng từ rất lâu và vẫn giữ được kiến trúc từ thời nhà Lý.
Liên Hoa Đài là nơi thờ Phật Quán Thế Âm. Gian thờ khá lớn nằm ngay chính điện, với bức tượng Phật sơn son thếp vàng đang ngự trên một bông sen bằng gỗ, xung quanh là đồ thờ cúng.
Điểm nhấn đặc biệt khác của Chùa Một Cột đó là cây bồ đề xum xuê được đem về từ đất Phật, món quà của Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 1958 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua nghìn năm, Chùa Một Cột trở thành một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như trong các nghiên cứu khoa học.
Năm 1962, Chùa Một Cột là một trong những công trình đầu tiên được công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”.
Năm 2006, Chùa Một Cột được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập “Kỷ lục Việt Nam”.
Năm 2012, Chùa Một Cột vinh dự được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”, một lần nữa khẳng định những giá trị đặc sắc, có một không hai của công trình kiến trúc này, đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển du lịch cho thủ đô Hà Nội.
Biểu tượng chùa Một Cột
Chùa Một Cột đã được chọn làm một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, ngoài ra biểu tượng chùa Một Cột còn được thấy ở mặt sau đồng tiền kim loại 5000 đồng của Việt Nam. Tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một phiên bản chùa Một Cột. Ngoài ra, tại thủ đô Moskva của Nga cũng có một phiên bản chùa Một Cột được xây lắp tại Tổ hợp Trung tâm Văn hóa – Thương mại và Khách sạn “Hà Nội – Matxcova”.Chùa còn là biểu tượng cao quý thoát tục của con người Việt Nam.
Kỷ lục chùa Một Cột
Ngày 4 tháng 5 năm 2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là “Kỷ lục Việt Nam” và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. Sau thời gian thẩm định để xác lập, ngày 10 tháng 10 năm 2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột
Các điểm Du Lịch Gần Chùa Một Cột
Từ vị trí Chùa Một Cột, bạn đi tham quan cụm Di tích Lịch sử Văn hóa Ba Đình gần đó, bao gồm: Khu di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Hồ Tây cũng nằm ở trung tâm khu vực này với những địa điểm nổi tiếng khác như: Chùa Trấn Quốc, Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tự Giám.