Cầu Tàu 914 Côn Đảo

5/5 - (1 bình chọn)

Cầu Tàu 914 Côn Đảo – Nơi mỗi viên đá xếp một đầu người rơi

Di tích Cầu Tàu 914 Côn Đảo được thủ tướng Chính Phủ ký quyết định số 548/ QĐ-TTg ngày 10/5/2012 xếp hạng là di tích Quốc gia cấp đặc biệt.

Cầu Tàu 914 Côn Đảo được khởi công xây dựng vào năm 1873, kéo dài hàng chục năm và được sửa chữa, mở rộng nhiều lần mới có hình dạng như ngày nay. Từ khi khởi công cho đến lúc hoàn thành, người tù nhẩm tính đã có 914 người ngã xuống tại đây. Con số này chỉ mang tính ước lệ để tưởng nhớ những người đã chết trong lúc khổ sai xây dựng cầu tàu.

Câu chuyện về chiếc Cầu tàu 914 lịch sử nổi tiếng ở Côn Đảo
 

Cầu tàu là nơi chứng kiến cảnh lao động khổ sai nặng nhọc của người tù, đồng thời cũng là nơi chứng kiến giây phút vinh quang, xúc động nhất khi đảo được giải phóng.

Ngày nay cầu tàu bắt đầu từ mép lộ trước cổng dinh Chúa Đảo vươn ra vịnh Côn Sơn dài hơn 300 m, chiều rộng gần 5 m, nhưng ở cuối cầu tàu có đoạn rộng gần 8m. Bên dưới cầu, du khách có thể nhìn thấy từng lớp đá ngổn ngang giữ chặt cho cầu tàu luôn vững chãi, đó chính là những viên đá mà những người tù khổ sai đã phải leo lên tận Núi Chúa hiểm trở, dùng tay phá từng tảng đá, rồi lại nặng nhọc khuân chúng về để xây cầu tàu.

Trong quá trình khai thác và di chuyển những viên đá khổng lồ, đã có rất nhiều người bị đá đè cho thịt nát xương tan, nhiều người khác thì bị tra tấn đòn roi quá dã man vì không đủ sức làm việc, để cho đến khi hoàn thành, chiếc cầu tàu này đã nhuốm máu của 914 người tù xấu số mãi mãi không thể về lại với quê hương.

Dưới chân Cầu Tàu 914 Côn Đảo là lớp lớp những viên đá được mang về từ xương máu của những người tù khổ sai
 

Một số cựu tù sau khi được trả tự do đã kể lại: Một tảng đá to 4 người khiêng không nổi kêu xin thêm người thì bị cai ngục đánh bỏ bớt 1 người, còn 3 người khiêng không được thì bỏ bớt 1 người nữa….2 người còn lại tất nhiên phải chịu nằm dưới tảng đá khổng lồ ấy.

Quá phẫn uất và đau thương, những người tù đã sáng tác nên những câu thơ để tưởng nhớ tới những người anh em đã mất, cho đến ngày nay chúng vẫn như còn âm vang trong từng phiến đá:

“Nơi đây có chiếc cầu tàu

Mỗi viên đá xếp một đầu người rơi”.

Hay:

 “Còn đây đá lắp cầu tàu

Đá bao nhiêu khối máu đào bấy nhiêu”

Di Tích Cầu Tàu 914
Di Tích Cầu Tàu 914

Cầu Tàu 914 Côn Đảo là nơi chứng kiến những thời khác lịch sử quan trọng và oanh liệt của dân tộc ta ở Côn Đảo, trong đó phải kể đến các sự kiện:

  • Cách mạng tháng 8 năm 1945, Cầu tàu là nơi đưa 2000 tù chính trị trở về đất liền tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ và anh dũng.
  • Cuối năm 1954, Thực dân Pháp cũng phải đưa gần 600 tù binh và trên 1.000 tù án qua Cầu Tàu về trao trả cho Chính phủ Hồ Chí Minh.
  • Ngày 1 tháng 5 năm 1975 tù chính trị Côn Đảo chớp thời cơ, nổi dậy làm chủ hoàn toàn ở Côn Đảo.
  • Ngày 4 tháng 5 năm 1975 trên chuyến tàu đầu tiên ra giải phóng Côn Đảo, 500 tấm ảnh Bác Hồ in lụa đã chuyển tới Cầu tàu 914 và được những người tù trang trọng rước về từng trại.
  • Ít ngày sau, từng đoàn tù lần lượt tập trung ra Cầu tàu 914 Côn Đảo để trở về với đất liền, là điểm mốc chứng kiến và chấm dứt vĩnh viễn hơn thế kỷ “ địa ngục trần gian”.

Ngày nay, Cầu tàu 914 là nơi neo đậu của tàu thuyền mỗi khi từ khơi xa về, và mỗi khi thời tiết chuyển xấu, có gió bão mạnh.

Ngày nay Cầu Tàu 914 Côn Đảo không chỉ là một điểm du lịch nổi tiếng ở Côn Đảo mà còn là nơi tàu thuyền neo đậu mỗi khi thời tiết xấu
 

Cầu tàu 914 đã dõi theo lịch sử hàng trăm năm của Côn Đảo cho đến tận ngày nay, chứng kiến Côn Đảo “thay da đổi thịt” từng ngày và cũng âm thầm kể cho lớp lớp đời sau những câu chuyện hào hùng của lịch sử từng diễn ra ở chính nơi đây.

Du khách có nhu cầu đi du lịch Côn Đảo vào bất cứ thời điểm nào trong năm, vui lòng liên hệ với DL Việt Du  để được sắp xếp một lịch trình hợp lý nhất.

Hiện nay đi Côn Đảo bằng Tàu Cao Tốc cũng rất tiện lợi và tiết kiệm chi phí, hoặc có thể đi bằng máy bay.

Xem thêm:Bảo Tàng Côn Đảo, Dinh Chúa Đảo